Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương, các tập đoàn, Tcty phải rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước và trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa; thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, chủ động xử lý các vấn đề liên quan theo quy định.
Với lợi thế đất vàng, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) được định giá 2.800 tỷ đồng trước khi cổ phần hoá (Ảnh: S.T)
Hiện tượng “săn đất vàng” sẽ giảm
Chỉ đạo nói trên của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ là một trong những yêu cầu đáng chú ý trong các nội dung nhằm nâng cao chất lượng cổ phần hóa hơn nữa, hướng mục tiêu cổ phần hóa không chỉ để đạt kế hoạch, lộ trình mà phải nhắm trúng hiệu quả đặt ra.
Yêu cầu này cũng là một trong những vấn đề mà Bộ Tài chính đặt mục tiêu khi hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp trình Chính phủ ban hành. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung Nghị định đối với mọi trường hợp chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của DNNN và chuyển nhượng vốn Nhà nước đầu tư tại CTCP, Cty TNHH hai thành viên trở lên, đều phải tuân thủ: Giá trị thực tế vốn của DNNN hay phần vốn đầu tư của Nhà nước “bao gồm cả giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ (nếu có) theo quy định của pháp luật”, và “việc chuyển nhượng vốn… có liên quan đến quyền sử dụng đất, phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai”.
Yêu cầu của Phó Thủ tướng được xem là tiền đề quan trọng, bắt buộc rà soát, đánh giá lại tình hình sử dụng, hiện trạng đất đai tại DNNN sở hữu hoặc góp vốn. Đó cũng là điều kiện cần dẫn đến bộ quy định hoàn thiện khi cộng hưởng cùng điều kiện đủ là các nội dung bổ sung trong Dự thảo Nghị định sửa đổi. Theo đó, khi Nghị định được ban hành, mọi kẻ hỡ đất vàng xem như đã…khít.
Nhìn lại hiện trạng “chảy máu” đất vàng qua cổ phần hóa về tay tư nhân, có thể thấy rất nhiều trường hợp “thiên biến vạn hóa”. Nhưng trong đó, đại đa số đều xuất phát từ việc thẩm định, đánh giá và quản lý hậu cổ phần chưa thực sự “kín”, nhà đầu tư vẫn có cơ hội “mua rẻ”, hoặc thậm chí sẵn sàng bỏ vốn lớn để sở hữu đất vàng thuộc doanh nghiệp quản lý hoặc doanh nghiệp có quyền sử dụng. Những kẻ hở về quy định của pháp luật đã dẫn đến tình trạng cùng 1 tài sản nhưng “mỗi nhà mỗi ý”, như chuyện Bộ Công Thương muốn thoái hết vốn Nhà nước, Bộ Tài chính và SCIC lại muốn “không” tại cùng dự án Tràng Tiền Plaza.
Giảm sức hút với nhà đầu tư?
“Đây là câu hỏi gần như đã có đáp án trả lời ngay. Những đại gia chuyên “săn đất vàng” để thương mại hóa quỹ đất mà DNNN sở hữu trước đây, hoặc những quỹ đất mà doanh nghiệp được giao quyền sử dụng bao gồm cả diện tích đất nông nghiệp phù hợp với mục tiêu mở rộng của “đại gia”, sẽ bắt buộc phải cân nhắc giữa giá vốn đầu tư phải bỏ ra khi tham gia đấu giá cổ phần với lợi ích nhận được trong tương lai”, chuyên gia đầu tư Ngọc Hoàn đánh giá.
Tuy vậy, theo ông Hoàn, sức hút với cổ phần hóa DNNN không vì thế mà hoàn toàn giảm. Bởi cổ phần hóa DNNN đã đi qua một quá trình và đi vào phân hóa theo nhóm: Nhóm doanh nghiệp có đất vàng, nhóm doanh nghiệp có vị thế tiềm năng và lợi thế kinh doanh, nhóm doanh nghiệp “không có gì” và khó bán.
Thực tế, dòng vốn đầu tư vào DNNN của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước thời gian qua cũng cho thấy: Ngoài những doanh nghiệp có đất vàng rất hấp dẫn các nhà đầu tư, đa phần là các chủ đầu tư địa ốc hoặc doanh nghiệp thương mại hạ tầng, hoặc doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp (với quỹ đất nông nghiệp) như trường hợp thâu tóm của GTN, thì những doanh nghiệp “sáng giá” về kinh doanh mà không dựa trên quỹ đất, vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư. Cú đột phá ngoạn mục trong bán vốn Vinamilk của SCIC xét về thị giá mới đây, hay những nỗ lực chạy đua bán Sabeco cho kịp “lộ trình” và hiệu quả thông qua “ghi điểm” giới thiệu đến các tổ chức đối tác tiềm năng…là những ví dụ điển hình. Còn với những doanh nghiệp nhỏ không lợi thế kinh doanh và không quỹ đất, việc ế vẫn hoàn ế được xem là… đương nhiên.
Vì lẽ đó, theo các chuyên gia, việc rà soát quỹ đất, định giá lại, siết quy định bán để không thất thoát “đất vàng” qua “giá rẻ” mới chỉ là một phần của quá trình nâng chất cổ phần hóa.
Câu hỏi đặt ra là với những trường hợp sử dụng đất “sai mục đích” từ quá trình cổ phần hóa đã thực thi trước đây, thì Nhà nước có thanh rà soát, sử dụng hồi tố hoặc bất hồi tố và không chiếu quy định? |
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy