Đáng nói, không chỉ 3 biệt thự này mà các cán bộ của trường còn đang mua bán công khai hàng chục lô đất biệt thự khác, được cho là của lãnh đạo Hội Khoa học kinh tế Việt Nam (VEA) cấp.
3 biệt thự không phép
Là đơn vị thành viên của VEA, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được thành lập và xây dựng theo mô hình tư thục. Cơ sở chính của HUBT và VEA đặt tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng (TP.Hà Nội).
Ngày 12/7/2007, UBND tỉnh Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư “Dự án (DA) Đầu tư xây dựng khu liên hợp khoa học - đào tạo” cho chủ đầu tư là VEA. DA xây dựng cơ sở 2 của HUBT, đặt mục tiêu đảm bảo đào tạo khoảng 20.000 sinh viên năm 2020. Tổng vốn đầu tư DA khoảng 461 tỉ đồng, trong đó huy động từ HUBT 300 tỉ đồng, các đơn vị thuộc VEA... đóng góp 161 tỉ đồng. Đến ngày 9.7.2008, UBND tỉnh Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (số AL644599) cho VEA tại xã Đình Bảng, H.Từ Sơn (nay là TX.Từ Sơn, Bắc Ninh) với diện tích 199.343,4 m2.
Theo các quyết định trên, thời gian thực hiện DA là 50 năm và do là trường ĐH dân lập hoạt động phi lợi nhuận nên được ưu đãi miễn thuế, giảm thuế; đặc biệt, DA được giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, việc triển khai DA có rất nhiều sai phạm. Ngày 26.11.2019, UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng của VEA, người đại diện là ông Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VEA. Cụ thể, chủ đầu tư đã vi phạm khi xây dựng tại khu B, khu C một số sân bóng đá, nhà tạm, hạng mục công trình 3 tầng không phù hợp quy hoạch. Đáng chú ý là việc tổ chức thi công xây dựng 3 công trình (3 - 4 tầng) kiểu dáng biệt thự sai quy hoạch chi tiết. Hình thức xử phạt bằng tiền, với 110 triệu đồng, và buộc tháo dỡ công trình vi phạm...
Có mặt tại Bắc Ninh ngày 9.8, theo quan sát của PV Thanh Niên, 3 công trình kiểu dáng biệt thự kể trên vẫn đang tồn tại. Ông Nguyễn Đức Quang, Trưởng phòng Quản lý đô thị TX.Từ Sơn, cho biết sai phạm này được phòng liên tiếp báo cáo lên các cơ quan cấp trên. Hiện tại, việc tháo dỡ mới được tiến hành ở sân bóng, nhà tạm cấp 4. Đối với 3 công trình kiểu dáng biệt thự, ông Quang thừa nhận chưa được tháo dỡ.
2 trong số 3 tòa biệt thự được xây dựng trong khuôn viên HUBT tại Bắc Ninh
Một điều kỳ lạ là theo người dân nơi đây, sau khi bị xử phạt, cả 3 tòa biệt thự bỗng nhiên được treo biển ở cổng với tên khá hàn lâm; trong đó có 1 tòa biệt thự treo biển “Hội KHKT VN - TTKT VN - châu Á Thái Bình Dương VAPEC Việt - Mỹ”; 2 tòa còn lại treo biển “VAPEC Việt - Úc” và “VAPEC Việt - Nga”...
Đất trường đại học đã được phân lô biệt thự?
Vì sao 3 tòa biệt thự bỗng nhiên được “khoác” tấm biển mới thành các trung tâm kinh tế của VEA? Những tòa nhà này là của ai và cả khu đất rộng hơn 10 ha còn các tòa biệt thự nào khác?
Theo ông Nguyễn Đức Quang, đất quy hoạch xây trường, cơ sở đào tạo không được dùng để xây biệt thự, nhà ở và cả 3 tòa biệt thự kể trên đều xây dựng không phép, phải tháo dỡ. “Việc họ có điều chỉnh mục đích sử dụng đất hay không thì tôi không rõ, nhưng chúng tôi sẽ kiên quyết yêu cầu tháo dỡ”, ông Quang khẳng định.
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ 3 biệt thự trên, hiện VEA đang có danh sách hàng chục người được chia các lô đất hàng trăm mét vuông ngay trên khu đất công của trường. Tất cả đều là lãnh đạo VEA, các cán bộ thuộc các đơn vị trong VEA. Danh sách gồm một số cái tên như Vũ Đình B. (P.Khương Trung, Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội); Tô Đình H. (P.Láng Thượng, Q.Đống Đa), Lương Thành P. (P.Khương Đình, Q.Thanh Xuân)...
Tại một cuộc họp gần đây, ông Nguyễn Quang Thái, người được cho là có vai trò quan trọng trong việc lấy đất trường ĐH làm biệt thự, đã đôn đốc đẩy nhanh việc xây dựng trên các lô đất đã phân, đề nghị có thiết kế 3 tầng, những ai có phương án riêng cần đăng ký sớm… Ông Lương Thành P., một cán bộ đang sở hữu lô đất biệt thự 500 m2 ở đây, cho biết: “Tôi vẫn đang sở hữu và muốn bán miếng đất này. Trước, nhà trường đã giao đất cho các nhà khoa học. Khu A xây cơ sở giảng dạy, khu C xây Trường cao đẳng Lý Công Uẩn, còn khu B được giao cho các nhà khoa học với 50 căn biệt thự. 3 căn đã xây rồi, căn của tôi đi từ cổng vào rẽ phải…”. Bà Lê Anh S. (Q.Ba Đình, TP.Hà Nội), một nữ cán bộ có đất ở đây, cũng cho hay: “Mảnh của tôi 500 m2 để xây biệt thự, vị trí cũng đẹp lắm nhưng bán lâu rồi. Hôm tôi đi họp trên Hội, nhiều người muốn bán lắm”.
Mỗi lô đất giá hơn chục tỉ đồng? Theo N.T.L, nhân viên môi giới bất động sản tại Bắc Ninh, vị trí các căn biệt thự này nằm ngay sát Đền Đô (P.Đình Bảng, TP.Bắc Ninh), cách TP.Hà Nội 25 km và sân bay Nội Bài khoảng 30 km. Ngay sát trường là khu đô thị của Tập đoàn tư nhân Dabaco, giá bán từ 30 - 35 triệu đồng/m2. Với mỗi căn biệt thự 500 m2 trong khu vực này, nếu có đầy đủ giấy tờ, giá thị trường lên tới khoảng 15 tỉ đồng. Sai phạm hàng loạt trong đào tạo, tuyển sinh Theo thông báo Kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT, trong quá trình tuyển sinh, đào tạo những năm 2017, 2018 và 2019, HUBT đã để xảy ra nhiều sai phạm. Năm 2017, trường tuyển sinh trình độ thạc sĩ vượt chỉ tiêu được thông báo. Trong đó, khối ngành III (Kinh doanh và Quản lý, Pháp luật) vượt 79% chỉ tiêu; khối ngành V (Toán và Thống kê, Máy tính và Công nghệ thông tin…) vượt 35% chỉ tiêu. Năm 2018, nhà trường tiếp tục tuyển sinh vượt so với chỉ tiêu tự xác định ở các ngành Tài chính - Ngân hàng (vượt 36%), Quản lý Kinh tế (vượt 96,6%), Quản lý công (vượt 98%). Năm 2019, trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ 9/10 ngành, chuyên ngành vượt năng lực đào tạo theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong đó ngành Quản lý công vượt chỉ tiêu 236%. Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng chỉ rõ, HUBT tổ chức đào tạo một số học phần trình độ thạc sĩ của 19 lớp ngoài trụ sở chính của trường, khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ GD-ĐT… Trường vẫn còn để xảy ra hiện tượng một số túi bài thi tự luận kết thúc học phần trình độ ĐH có hiện tượng chấm chưa đúng quy định. Từ những sai phạm được phát hiện, Thanh tra Bộ GD-ĐT kiến nghị trường này phải rà soát toàn bộ quá trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ theo chương trình cũ chưa đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu theo quy định, đề xuất phương án xử lý. Bên cạnh đó, phải rà soát, làm rõ dấu hiệu không bình thường trong hồ sơ dự tuyển của 3 nghiên cứu sinh và những nghiên cứu sinh khác của trường (nếu có). Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, cần chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, HUBT cũng phải tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các sai phạm. |
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy