Hồ sơ Panama: 400 nhà báo và 2 năm gian nan tìm đường ra “ánh sáng”
06/04/2016 17:13:01
Theo trang Niemanlab.org, Hồ sơ Panama được lấy ra khỏi kho lưu trữ bí mật của công ty luật ở Panama cách đây gần 2 năm và được thẩm định qua hơn 400 nhà báo từ hơn 70 quốc gia. Vậy mà nó vẫn giữ được bí mật tới tận bây giờ.

Tin liên quan

Ảnh minh họa

2,6 terabyte dữ liệu về cả 40 năm hoạt động của công ty luật Mossack Fonseca. Nó lớn hơn gấp 1000 lần so với tài liệu rò rỉ trong vụ WikiLeaks năm 2010. Toàn bộ “Hồ sơ Panama” chứa 11,5 triệu tài liệu gồm 4,8 triệu email, 1 triệu hình ảnh và 2,1 triệu file PDF cùng nhiều thứ khác.

Theo tờ Wired, một ngày trong năm 2014, một người giấu tên đã liên lạc với phóng viên của tờ Suddeutsche Zeitung (Đức) để trao kho dữ liệu khổng lồ trên.

Mặc dù Süddeutsche Zeitung là bên đầu tiên nhận được tập tài liệu, nhưng tờ báo này không thể một mình phân tích chúng. Süddeutsche Zeitung đã bắt tay với ICIJ và sau đó cùng làm việc với gần 100 cơ quan báo chí khác trên 70 quốc gia khác nhau, bao gồm nhiều báo lớn như báo Le Monde (Pháp), La Nación của Argentina, Sonntagszeitung của Thụy Sĩ, và The Guardian, BBC của Anh. Tổng cộng, hơn 400 phóng viên thuộc nhiều tổ chức khác nhau đã cùng thẩm định số tài liệu này.

Sở dĩ, mạng lưới điều tra lan rộng như vậy bởi thông tin trong những tài liệu rò rỉ có liên hệ tới các công ty, tổ chức tại hàng loạt quốc gia khác nhau.

Sheila Coronel, giáo sư tại Đại học Báo chí Columbia, cho rằng "Hồ sơ Panama" đã cho thấy khả năng phối hợp hành động đáng kinh ngạc giữa các nhà báo.

Ông nói: "Tôi chưa bao giờ thấy một nỗ lực hợp tác báo chí nào lớn như vậy, xét về số lượng phóng viên, tổ chức thông tấn, báo chí cũng như số nước góp mặt”.

Ông Coronel cũng thán phục khả năng phân chia công việc, trao quyền tự chủ và tính độc lập cho các đơn vị, cá nhân để không những có thể khai thác hiệu quả nguồn tư liệu để tìm ra được những thông tin quan trọng, có ý nghĩa với độc giả, mà còn bảo mật thông tin đến tận sau cùng.

Không chỉ về mặt con người, để xử lý chỗ thông tin đó, các chuyên viên công nghệ thông tin của ICIJ đã xây dựng một công cụ tìm kiếm tùy chỉnh để nhóm điều tra có thể chia sẻ thông tin một cách bí mật trên khắp thế giới.

Ngoài ra, một hệ thống chat (nói chuyện qua mạng) thời gian thực cũng ra đời, giúp các nhà báo trao đổi với nhau dễ dàng hơn. Nhiều thuật toán thông minh được tạo ra giúp tìm kiếm mối liên quan giữa những cái tên đã được đề cập trong tài liệu. Phần mềm chuyển dữ liệu bản cứng thành các dữ liệu định dạng kỹ thuật số cũng tỏ ra rất hiệu quả.

Điều đặc biệt là, mặc dù có tới hơn 100 tổ chức truyền thông trên toàn thế giới tham gia phân tích Hồ sơ Panama, nhưng đến từ Mỹ lại rất ít. Ngoại trừ ICIJ có trụ sở tại Washington, thì chỉ có một ít cộng sự ở Mỹ là McClatchy’s Charlotte Observer, Miami Herald và Univision.

Không hề có sự xuất hiện của các tờ báo lớn của Mỹ như The New York Times, The Washington Post, hay The Wall Street Journal. Trong những ngày qua những tờ báo này cũng không cho lên trang nhất những tin tức về Hồ sơ Panama.

Hiện tại, ICIJ không định tung ra toàn bộ Hồ sơ Panama. Không giống như WikiLeaks, đổ toàn bộ tài liệu Cablegate trên web cho bất cứ ai cũng có thể xem được, ICIJ cho biết họ không định làm như vậy với Hồ sơ Panama . Giám đốc ICIJ Gerard Ryle nói với Wired: "Chúng tôi không phải WikiLeaks. Chúng tôi đang cố gắng để mọi người thấy rằng báo chí đang hành động có trách nhiệm".

Theo Infonet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến