Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà phát biểu.
Ngân hàng Nhà nước không đưa ra bất kỳ điều kiện gì thêm so với Nghị quyết số 43/2022/QH15, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà khẳng định. Tuy nhiên, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, có nguyên nhân trong tổ chức thực hiện.
Chiều 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình).
Liên quan đến chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, nguồn lực còn lại của chính sách còn lớn, dự kiến khoảng 38.592 tỷ đồng/40.000 tỷ đồng, song theo Chính phủ thì việc nghiên cứu điều chuyển nguồn lực cho chính sách khác thuộc Chương trình để thực hiện là khó khả thi do không đủ thời gian đánh giá hiệu quả, tác động.
Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh như đã được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Đối với số vốn không giải ngân hết của chính sách sau khi kết thúc thời gian giải ngân kế hoạch năm 2022 và năm 2023, trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực đồng thời không làm tăng bội chi tương ứng với số vốn này.
Thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần phân tích nguyên nhân cụ thể hơn, trong đó, theo khảo sát doanh nghiệp của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) , chỉ có 29,5% doanh nghiệp biết tới chính sách này, trong đó có khoảng 2% doanh nghiệp đã nhận được khoản vay.
Đa số các doanh nghiệp cho biết điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Sự “thất bại” của chính sách này được nhiều ý kiến đề cập tại phiên thảo luận.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, từ thực thế cho thấy việc thực hiện Nghị định 31 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước với 40.000 tỷ đồng được áp dụng từ năm 2022 chưa đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý e ngại, công tác thanh tra, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích hỗ trợ 2% lãi suất và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất như theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục thanh, kiểm tra, khó khăn về đánh giá khả năng phục hồi trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Tình hình sản xuất kinh doanh đã thay đổi so với thời điểm ban hành chính sách nên nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp cũng thay đổi.
Đây là những vướng mắc thực tế. Đề nghị Chính phủ cũng nghiên cứu rút kinh nghiệm thêm, ông Cường nói.
Tổng thư ký Quốc hội cũng cho rằng, còn có thêm yếu tố tâm lý, một số ngân hàng thực sự chưa muốn thực hiện chính sách này. “Chúng tôi cũng có hỏi một số doanh nghiệp, anh em cũng nói thật là thủ tục hướng dẫn lòng vòng. Phải nghe thật các doanh nghiệp nói thì mới thấy có chuyện không thực sự thông thoáng như chúng ta kỳ vọng”, ông Cường cho biết.
Cũng đề cập chính sách này, Phó Tổng thư ký Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn nói, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% yêu cầu là có khả năng phục hồi. Rõ ràng các ngân hàng thương mại sử dụng tiền hỗ trợ từ ngân sách cho vay thương mại mà bảo đảm là có khả năng phục hồi thì chắc là rất rủi ro.
“Tâm lý của doanh nghiệp cũng ngại tình trạng thanh tra, kiểm tra sau khi vay, thậm chí chúng tôi biết là có những doanh nghiệp đã hoàn thành hồ sơ vay rồi, nhưng sau khi có phân tích là có thể có khả năng kiểm tra thì lại thôi”, ông Tuấn thông tin thêm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ông vừa đi Hậu Giang thì thấy tỉnh này cho vay theo chính sách hỗ trợ lãi suất 2% lại tốt. Ông Huệ cũng đề nghị với Chính phủ là từ giờ đến cuối năm tiếp tục vẫn làm, chỗ nào có khả năng thì vẫn tiếp tục cho vay theo chương trình này.
Giải trình, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà thừa nhận “đúng là triển khai hỗ trợ lãi suất 2% không được như mong muốn”.
Ông Hà nói, Ngân hàng Nhà nước thấy quá trình triển khai rất quyết liệt, khẩn trương, nhanh chóng hướng dẫn tất cả những điều kiện, quy trình, thủ tục và nhanh chóng tập huấn, tổ chức rất nhiều hội nghị đối thoại với ngân hàng và các khách hàng đi vay và có rất nhiều văn bản chỉ đạo.
Về ý kiến cho rằng điều kiện vay khó khăn, ông Hà “xin báo cáo là trong Nghị quyết 11 của Chính phủ để triển khai Nghị quyết 43 Quốc hội và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước thì không đưa ra bất kỳ điều kiện gì thêm so với Nghị quyết 43”.
Phó thống đốc giải thích, khoản vay này là khoản vay thông thường. Một khi khách hàng đã vay bình thường của tổ chức tín dụng, nếu nằm trong phạm vi đối tượng ưu tiên thì được hưởng hỗ trợ lãi suất.
Nhưng vì sao lại khó như vậy? Theo ông Hà thì qua rà soát của các ngân hàng thương mại trong 9 tháng của năm 2022 thì tổng dư nợ cho vay trong tổng dư nợ để rà soát là 850.000 tỷ, với 750.000 khách hàng vay thì có 87% là không đáp ứng đủ điều kiện trong quy định của chương trình. Và 13% còn lại thì 7% được hỗ trợ lãi suất, 6% thì không có phản hồi có muốn hay không và 67% trả lời không có nhu cầu.
Tác giả: Nguyễn Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy