Năm 2019, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục chịu tác động nhiều hơn các cú sốc từ bên ngoài so với năm 2018. Để tạo nền tảng ổn định và phát triển bền vững thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ có những hành động gì? Phóng viên Thời báo Ngân hàng phỏng vấn Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng xung quanh vấn đề này.
Theo ông, TTCK năm qua có những điểm gì nổi bật?
Diễn biến TTCK năm qua đã đem đến nhiều cung bậc cảm xúc cho NĐT, thành viên thị trường.
Đối với thị trường cổ phiếu, mặc dù có những biến động lớn từ đầu năm đến nay nhưng cơ bản vẫn duy trì được đà tăng trưởng về quy mô và hoạt động giao dịch, quy mô vốn hóa thị trường. Tính đến ngày 18/12, mức vốn hóa thị trường đạt 3,98 triệu tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2017, tương đương 79,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020. Thanh khoản thị trường cải thiện mạnh với tổng giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt gần 6.603 tỷ đồng/phiên, tăng 30% so với bình quân năm 2017.
Về hoạt động niêm yết và đăng ký giao dịch, thị trường hiện có 755 cổ phiếu, CCQ niêm yết trên 2 Sở GDCK và 804 cổ phiếu đăng ký giao dịch (ĐKGD) trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, ĐKGD đạt hơn 1.235 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với cuối năm 2017.
Trong năm, TTCK Việt Nam cũng đã thu hút ngày càng nhiều NĐT nước ngoài tham gia, đặc biệt là NĐT tổ chức nước ngoài. Số lượng tài khoản của NĐT tiếp tục gia tăng đạt 2,17 triệu tài khoản, tăng 12,8% so với cuối năm 2017 (trong đó tài khoản NĐTNN tăng 24,4%).
Hoạt động giao dịch của NĐTNN diễn ra tích cực. Tỷ trọng giao dịch của NĐTNN chiếm 16% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường cổ phiếu, cao hơn mức 13% của năm 2017.
Cùng với thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, chứng khoán phái sinh cũng được nhận định có nhiều diễn biến tích cực. Cụ thể như thế nào, thưa ông?
Thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) cũng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô niêm yết so với năm 2017. Hiện có 568 mã trái phiếu niêm yết với quy mô thị trường đạt 1.109 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2017 (tương đương 21% GDP).
TTCKPS ra đời đã cơ bản đạt được mục tiêu quản lý đề ra, cung cấp sản phẩm mới cho NĐT, cung cấp công cụ quản trị rủi ro trong trường hợp có biến động giá trên TTCK cơ sở. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 76.750 hợp đồng/phiên, tăng gấp 6,8 lần so với năm 2017.
Về khối lượng mở (OI), tính đến ngày 18/12/2018, khối lượng mở OI toàn thị trường đạt 22.432 hợp đồng, tăng 1,8 lần so với cuối năm 2017. Còn về số lượng tài khoản, đến cuối tháng 11, đã có hơn 54,7 nghìn tài khoản giao dịch phái sinh được mở, tăng gấp 3,2 lần so với cuối năm 2017.
Vậy đâu là những khó khăn, thách thức của TTCK Việt Nam trong năm qua, khiến VN-Index mất điểm?
TTCK Việt Nam trong năm 2018 cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, chủ yếu xuất phát từ những biến động của thị trường tài chính thế giới, như diễn biến khó lường từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tới TTCK thế giới và có tác động lan truyền tới Việt Nam.
Mặc dù lãnh đạo hai nền kinh tế Mỹ - Trung đã thỏa thuận tạm ngưng gia tăng việc áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong thời hạn 90 ngày, tuy nhiên đây chưa phải là dấu hiệu chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia sẽ chấm dứt.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang có xu hướng chậm lại khiến cho thị trường tài chính toàn cầu bước vào thời kỳ khó khăn hơn, do đó việc đầu tư vào các sản phẩm chứng khoán có độ rủi ro tại các thị trường mới nổi được dự báo sẽ hạn chế dần.
Ngoài ra chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhiều lần tăng lãi suất trong năm 2018 cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến biến động tài chính toàn cầu và Việt Nam.
Mức vốn hóa thị trường đã đạt 3,92 triệu tỷ đồng, tương đương 78,3% GDP
Đó là về khách quan, còn chủ quan thì sao, thưa ông?
TTCK Việt Nam trong năm 2018 còn tồn tại một số hạn chế như: Cấu trúc thị trường còn chưa cân bằng, quy mô thị trường trái phiếu (đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp) còn khá nhỏ; Cơ sở NĐT còn chưa cân bằng, bền vững. Các NĐT tham gia trên thị trường cổ phiếu và TTCK phái sinh chủ yếu là NĐT cá nhân, chiếm tới 99,76% giao dịch.
Bên cạnh đó, thẩm quyền thanh tra, xử lý vi phạm của UBCKNN còn chưa phù hợp với chức năng và nhiệm vụ. Thời gian qua, dù cơ quan quản lý đã liên tục phát hiện và tiến hành xử phạt các sự việc vi phạm trên TTCK, nhưng công tác thanh tra, xử phạt vi phạm vẫn chưa được như kỳ vọng.
Ngoài ra, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN còn chậm trễ, nhiều DN không hoàn thành kế hoạch, ảnh hưởng phần nào đến lượng cung hàng hóa trên TTCK.
UBCKNN nhận định gì về triển vọng thị trường năm 2019?
Năm 2019, Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu: Tăng trưởng GDP trong khoảng 6,6-6,8%; Tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7 - 8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33 - 34% GDP...
Trên cơ sở đó, chúng ta củng cố thêm niềm tin rằng TTCK Việt Nam năm 2019 sẽ có nhiều khởi sắc. Trên nền tảng kinh tế vĩ mô tốt, hoạt động kinh doanh của các DN niêm yết sẽ giữ vững được đà tăng trưởng.
Bên cạnh đó, hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn tại các DNNN vẫn tiếp tục được đẩy mạnh với một số tên tuổi như: MobiFone, VNPT, EVNGenco 1 và 2, HUD, VICEM… sẽ đem đến nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn vào những cổ phiếu có chất lượng trên thị trường.
Theo kế hoạch năm 2019, Ủy ban sẽ đưa vào giao dịch sản phẩm chứng quyền có bảo đảm và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ. Đây cũng là một trong những yếu tố, điểm nhấn nhằm thu hút NĐT, đa dạng hóa sản phẩm, thúc đẩy tăng trưởng.
Tiến trình cổ phần hóa DNNN sẽ cung cấp thêm cho thị trường nhiều hàng hóa chất lượng
Với dự báo một số nhân tố bên ngoài tiếp tục tác động đến chứng khoán Việt Nam năm 2019, UBCKNN có giải pháp gì để thị trường phát triển ổn định và bền vững hơn?
Đầu tiên, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát. Hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019); nghiên cứu, dự thảo các Nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Với các giải pháp phát triển và tái cấu trúc thị trường, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu để tăng cung hàng hóa và cải thiện chất lượng nguồn cung: triển khai sản phẩm chứng quyền có đảm bảo và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ vào đầu năm 2019.
Một giải pháp quan trọng khác là sẽ triển khai đề án tổ chức giao dịch trái phiếu DN. Theo đó, hoàn thiện phương án tổ chức thị trường trái phiếu DN và xây dựng, ban hành các quy định, quy chế về trái phiếu DN; khuyến khích các công ty đưa trái phiếu lên niêm yết; xây dựng cổng thông tin trái phiếu DN.
Ngoài ra, UBCKNN cũng sẽ triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng thị trường cận biên (frontier market) lên hạng thị trường mới nổi (emerging market) trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE thông qua việc tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các NĐT chiến lược nước ngoài, tháo gỡ vướng mắc trong việc tăng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát về tính minh bạch các thông tin trong Báo cáo tài chính của các công ty đại chúng vấn đề sử dụng vốn, công bố thông tin và quản trị công ty; cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các NĐT trên thị trường.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Thời báo Ngân hàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy