Dòng sự kiện:
Hoa Kỳ ban hành Kết luận sơ bộ điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh
02/04/2024 16:18:25
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp chuẩn bị và hợp tác tốt với DOC trong đợt thẩm tra sắp tới cũng như nêu quan điểm, bình luận với Kết luận sơ bộ của DOC đối với tôm nước ấm đông lạnh.

Sản phẩm tôm đông lạnh xuất khẩu của Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú. (Ảnh: TTXVN)

Đại diện Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngày 25/3, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sợ bộ trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh (Warm Frozen Warmwater Shrimp thuộc mã HS: 0306.17, 1605.21 và 1605.29) có xuất xứ từ Việt Nam. Vụ việc được khởi xướng ngày 14/11/2023 và được DOC tiến hành điều tra theo đề nghị của Hiệp hội các nhà chế biến tôm Hoa Kỳ (The American Shrimp Processors Association), với thời kỳ điều tra từ 1/1/2022-31/12/2022.

Trong vụ việc này, DOC đã lựa chọn hai doanh nghiệp có lượng xuất khẩu lớn nhất sản phẩm bị điều tra của Việt Nam vào Hoa Kỳ trong thời kỳ điều tra làm bị đơn bắt buộc. Ngày 04/01/2024, một trong hai bị đơn đã nộp đơn gửi DOC xin dừng tham gia vụ việc điều tra. Theo đó, chỉ còn lại một doanh nghiệp làm bị đơn bắt buộc trong vụ việc.

Trên cơ sở xem xét thông tin từ các bên liên quan bao gồm Chính phủ và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và Nguyên đơn Hoa Kỳ, DOC đã xác định mức thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với các doanh nghiệp của Việt Nam như sau: 2,84% đối với 01 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc duy nhất và cho tất cả các doanh nghiệp còn lại; 196,41% cho 01 doanh nghiệp bị đơn duy nhất không tham gia vụ việc. Mức thuế 196,41% được xác định dựa trên các dữ kiện sẵn có bất lợi khiến mức thuế tăng cao so với các doanh nghiệp khác.

Ngay từ đầu vụ việc, DOC đã điều tra 40 chương trình/chính sách của Chính phủ Việt Nam, thuộc các nhóm: Chương trình cho vay và bảo đảm; chương trình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; chương trình miễn các khoản phải thu; chương trình ưu đãi về đất; chương trình tài trợ…

Ngày 5/2 và 23/02/2024, DOC tiếp tục tiến hành điều tra thêm một số chương trình mới, dựa trên đề nghị của Nguyên đơn Hoa Kỳ, liên quan đến: thuế thu nhập, miễn tiền thuê đất; cung cấp các dịch vụ điện, nước, xử lý nước thải và viễn thông thấp hơn giá trị thông thường và cung cấp tôm bố mẹ, tôm giống và thức ăn nuôi tôm thấp hơn giá trị thông thường...

Trong kết luận sơ bộ, DOC đã xác định 24/gần 50 chương trình bị điều tra là trợ cấp có thể đối kháng, 13 chương trình không phải là trợ cấp có thể đối kháng. DOC cũng tạm thời chưa đưa ra kết luận sơ bộ đối với 12 chương trình do DOC cần thêm thời gian để thu thập thông tin và đánh giá về các chương trình này.

Sau khi Kết luận sơ bộ được ban hành trên Công báo liên bang, Cơ quan hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) sẽ tiến hành yêu cầu đặt cọc đối với các lô hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ theo mức thuế chống trợ cấp sơ bộ nêu trên.

Cũng theo đại diện Cục Phòng vệ Thương mại, DOC sẽ tiến hành thẩm tra nhằm xác minh các thông tin mà Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Đây là một trong những căn cứ để DOC ban hành Kết luận cuối cùng, đưa ra mức thuế chính thức cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Chế biến tôm phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Các bên liên quan cũng có thể nộp bình luận đối với Kết luận sơ bộ hoặc các quan điểm về vụ việc không muộn hơn 07 ngày sau ngày báo cáo thẩm tra cuối cùng được ban hành trong vụ việc này. Bản phản biện đối với bình luận của các bên khác được nộp không muộn hơn 05 ngày sau thời hạn nộp bình luận ban đầu.

Ngoài ra, các bên liên quan cũng có thể gửi yêu cầu bằng văn bản cho DOC đề nghị tổ chức phiên điều trần, giới hạn trong phạm vi các vấn đề đã nêu trong bình luận và phản biện, trong vòng 30 ngày kể từ ngày DOC ban hành thông báo Kết luận sơ bộ (ngày 26/3/2024).

DOC dự kiến ban hành Kết luận cuối cùng về trợ cấp chậm nhất vào ngày 05/08/2024 (trừ khi gia hạn thêm). Tiếp đó, Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ sẽ ban hành Kết luận cuối cùng về thiệt hại trong vòng 45 ngày kể từ ngày DOC ban hành Kết luận cuối cùng.

Trước nội dung trên, Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp chuẩn bị và hợp tác tốt với DOC trong đợt thẩm tra sắp tới cũng như nêu các quan điểm, bình luận đối với Kết luận sơ bộ của DOC trong trường hợp có điểm chưa hợp lý hoặc chưa tuân thủ quy định của WTO. Sự chuẩn bị và tham gia tích cực của doanh nghiệp trong đợt thẩm tra cũng như các bình luận/phản biện của doanh nghiệp sẽ có tác động trực tiếp tới Kết luận cuối cùng của DOC./.

Tác giả: Đức Duy

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến