Ngày 5/12, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam - Bộ Quốc phòng và Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) tổ chức lễ khởi công Dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa và ký thỏa thuận triển khai dự án 65 triệu USD nhằm hỗ trợ người khuyết tật.
Quân chủng Phòng không Không quân cho biết, hiện đã bàn giao 37 ha đất khu vực phía Tây sân bay để USAID bắt đầu thực hiện các hoạt động thực địa trong khuôn khổ Dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa. Với hỗ trợ của USAID, các đội thi công đã xây dựng đường công vụ, cổng ra vào và khu văn phòng để phục vụ dự án; các hoạt động giải phóng mặt bằng và quan trắc cũng đã bắt đầu triển khai. Mục tiêu đầu tiên là loại bỏ nguy cơ rò rỉ thêm dioxin ra khu vực bên ngoài sân bay; phối hợp với cơ quan chính quyền tỉnh Đồng Nai để làm sạch các khu vực ngoài sân bay, xử lý và cô lập đất nhiễm dioxin.
Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết khoản kinh phí 300 triệu USD để khôi phục môi trường cho sân bay và các khu vực xung quanh. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành trong 10 năm với hai giai đoạn, trong đó giai đoạn một đến năm 2025 sẽ xử lý 150.000 m3 đất.
Các chuyên gia nước ngoài đo đạc mức độ nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hoà sáng 5/12. Ảnh: Phước Tuấn.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Quốc phòng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án với mục tiêu chung là bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả; đặc biệt, chú ý đảm bảo các biện pháp an toàn, phòng tránh phơi nhiễm dioxin của các công nhân thi công, bộ đội, nhân dân địa phương trong quá trình triển khai Dự án; lưu ý việc bảo đảm xử lý triệt để theo quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sức khỏe con người và môi trường trong toàn bộ quá trình xử lý.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chiến tranh ở Việt Nam đã lùi xa hơn 40 năm, song hậu quả chất độc hóa học đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái đến nay vẫn rất nặng nề. Số liệu thống kê cho thấy, ngoài các điểm nóng ô nhiễm vẫn chưa được tẩy độc như tại khu vực sân bay Biên Hòa, còn có trên 3,6 triệu ha rừng đã bị hủy diệt; 4,8 triệu người bị phơi nhiễm; hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trong đó, thế hệ thứ 2, thứ 3 là con cháu của những người đã bị phơi nhiễm vẫn phải gánh chịu những di chứng nghiêm trọng.
Cũng tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận về khoản tài trợ 65 triệu USD giữa USAID và NACCET nhằm thực hiện các hoạt động cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho người khuyết tật nặng tại 8 tỉnh ưu tiên trong 5 năm tới.
Ly Na (t/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy