Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect, trong 9 tháng đầu năm, ước tính Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đã giải ngân 3.300 tỷ đồng đầu tư tài sản cố định cho dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Qua đó, nâng tổng vốn đầu tư tài sản cố định lũy kế đã giải ngân đến cuối quý III vào dự án lên 12.700 tỷ đồng.
Đây là dự án có tổng quy mô vốn lên tới 85.000 tỷ đồng, trong đó vốn cố định 70.000 tỷ, vốn lưu động dự kiến 15.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá của VNDirect, tốc độ giải ngân kể trên của Hòa Phát tương đối chậm. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích tại đây cho rằng "việc giải ngân chậm là hợp lý vì Hòa Phát muốn đảm bảo thanh khoản và tránh môi trường lãi suất tương đối cao trong nửa đầu năm".
Đơn vị phân tích kỳ vọng Hòa Phát sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng trong giai đoạn 2024-2025 để đảm bảo việc tăng công suất sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) từ 3 triệu tấn hiện tại lên 6 triệu tấn trong nửa cuối năm 2025 (50% công suất thiết kế sẽ được đưa vào vận hành từ giai đoạn 1 của dự án Dung Quất 2).
"Sau khi dự án Dung Quất 2 dần đi vào hoạt động từ nửa cuối năm 2025 có thể cải thiện tốc độ tăng trưởng kép 2025-2027 lên 30% khi bổ sung thêm 6 triệu tấn HRC vào công suất hiện tại", VNDirect đánh giá.
Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có quy mô hơn 280 ha, nằm kề bên Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 1. Công suất thiết kế của dự án này là 5,6 triệu tấn thép HRC/năm và được tập đoàn khởi công trong năm 2022, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Lãnh đạo Hòa Phát cho rằng đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025 khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động có thể giúp doanh thu của tập đoàn tăng thêm 80.000-100.000 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 3/2022, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã ký kết hợp đồng tín dụng với 8 ngân hàng lớn của Việt Nam. Theo đó, 8 nhà băng - dẫn đầu bởi Vietcombank - sẽ thu xếp khoản vay hợp vốn 35.000 tỷ đồng cho Hòa Phát Dung Quất để làm dự án Dung Quất 2. Đây là khoản tín dụng lớn nhất từ trước tới nay của Hòa Phát với các ngân hàng.
Chia sẻ về lý do đầu tư dự án Dung Quất 2, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết hiện tổng nhu cầu thép cán nóng trong nước khoảng 12 triệu tấn/năm và tăng trưởng bình quân 10%/năm.
Trong khi đó, thị trường trong nước có 2 nhà sản xuất lớn nhất là Hòa Phát và Formosa, mới cung cấp khoảng 8 triệu tấn/năm. Vì vậy, việc đầu tư dự án Dung Quất 2 là cần thiết và dự kiến đến năm 2024, khi nhà máy cho ra sản phẩm thì thị trường vẫn còn tốt.
Tháng 11, Hòa Phát đã sản xuất 623.000 tấn thép thô, tương đương tháng trước. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao, phôi thép đạt 709.000 tấn, tăng 12% so với tháng 10. Đây là mức sản lượng bán cao nhất của tập đoàn trong 20 tháng.
Về tình hình kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm, Hòa Phát đạt 85.430 tỷ đồng doanh thu, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.830 tỷ đồng, giảm hơn 60% và tương đương 48% kế hoạch năm.
Tác giả: Thanh Thương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy