Dòng sự kiện:
Hòa Phát 'quan tâm' đến Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn II
19/09/2018 11:00:44
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính cho biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát sẵn sàng mua Dự án gang thép Thái Nguyên, chỉ cần được tính đúng tính đủ, công khai minh bạch.

Thông tin trên được ông Tiến tiết lộ tại buổi tọa đàm trực tiếp với nội dung: “Nâng hiệu quả Doanh nghiệp nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức ngày 18/9 tại trụ sở số 16 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình (Hà Nội).

Tọa đàm Nâng hiệu quả DNNN: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị tổ chức 18/9. (Ảnh: báo Chính Phủ)

Đây là sự kiện chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đổi mới sẽ được tổ chức với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó Thủ tướng Vướng Định Huệ, Trịnh Đình Dũng vào ngày 28/9 tới đây.

Ông Đặng Quyết Tiến thông tin, hiện đã có 461 kiến nghị của các Bộ, Tập đoàn, Tổng công ty về các vướng mắc khó khăn trong công tác triển khai cổ phần hóa được gửi đến Thủ tướng.

Các vướng mắc khó khăn trong công tác triển khai cổ phần hóa này sẽ trình lên những người đứng đầu Chính phủ trong Hội nghị này để nhìn lại 2 năm công tác cổ phần hóa thoái vốn.

Theo ông Tiến, điều quan trọng nhất là DNNN phải nói thẳng, nói thật, công khai minh bạch tình hình. “Có vậy các Bộ ngành, chuyên gia mới có thể đưa ra giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề”.

Với số lượng kiến nghị rất lớn như trên, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định đây là điều đáng hoan nghênh, bởi mục đích cuối cùng của các kiến nghị là tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Nhưng phía cơ quan quản lý cần xem xét để từ đó chọn lọc quan tâm tới các kiến nghị đó có phù hợp cơ chế thị trường, tiến trình hội nhập hay các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định mà Việt Nam là thành viên.

Dẫn một trường hợp cụ thể là kiến nghị của Vinachem sửa thuế GTGT của phân bón nhập khẩu từ mặt hàng không chịu thuế GTGT sang mặt hàng chịu thuế để doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào, ông Hùng cho rằng mọi kiến nghị đều cần phân minh. Với trường hợp này, Chính phủ cần nghiên cứu đánh giá tác động của đề xuất, từ đó kiến nghị sang Quốc hội để xem xét sửa đổi luật thuế.

Từ phía Bộ Tài chính, ông Tiến cho rằng thuế chỉ là một giải pháp và cần xem xét bình đẳng với mọi thành phần kinh tế, không riêng Vinachem.

“Giải pháp căn cơ là nhìn lại mình, doanh nghiệp cần nhìn thẳng vào sự thật, thắt chặt chi phí, đổi mới quản trị, đưa giá thành về mức cạnh tranh.

Với trường hợp dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cũng đã cho biết sẵn sàng mua, chỉ cần được tính đúng tính đủ, công khai minh bạch”, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp nêu.

Khi DNNN nói thẳng, nói thật, công khai minh bạch tình hình, các Bộ ngành, chuyên gia mới có thể đưa ra giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề. Thậm chí, theo ông, để doanh nghiệp phá sản, giải thể cũng là giải pháp tích cực.

 Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát sẵn sàng mua Dự án gang thép Thái Nguyên, chỉ cần được tính đúng tính đủ, công khai minh bạch. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Từ phía Quốc hội, ông Phùng Văn Hùng, Uỷ viên thường trực Uỷ ban kinh tế của Quốc hội cho rằng trước khi đặt vấn đề bán cho ai thì hết sức cần thiết để xử lý các vấn đề về vướng mắc pháp lý hay các thủ tục pháp lý khúc mắc như xác định giá doanh nghiệp, xác định giá trị quyền sử dụng đất, giải quyết mối quan hệ với tổng thầu EPC.

“Giải quyết vấn đề pháp lý còn quá phức tạp mới có thể hy vọng sự tham gia của nhà đầu tư tiềm năng vực dậy doanh nghiệp trở lại”, ông Hùng nêu.

Đối với vấn đề thoái vốn nhà nước, với chủ trương không giữ lại lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, thì việc bán cho tư nhân là chủ trương đúng.

Ngoài ra, Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng lưu ý thêm khi thoái vốn Nhà nước đương nhiên sẽ bán cho tư nhân nhưng đối với nhà đầu tư nước ngoài, cần xem xét có ảnh hưởng lợi ích, an ninh quốc gia.

Tổng vốn điều lệ của Gang thép Thái Nguyên (TISCO) là 1.840 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã chi cho dự án giai đoạn II khoảng 1.531 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh năm 2017, tổng doanh thu của TISCO đạt hơn 9.800 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2018, dự án này bước đầu có chút tín hiệu vui với con số doanh thu ước đạt hơn 6.000 tỷ đồng. Thế nhưng, tín hiệu khả quan này không đủ giúp doanh nghiệp thép giảm số nợ khủng đang đến hạn phải trả cho các tổ chức tín dụng.

Đến thời điểm 31/5, TISCO đang nợ VietinBank 2.210,8 tỷ đồng.  Khoản nợ này đã được VietinBank cơ cấu thời gian trả nợ cho TISCO đến tháng 6/2019. Theo đó, doanh nghiệp cân đối nguồn thu từ khu vực mỏ Tiến Bộ (đã đi vào sản xuất) để trả cho VietinBank (theo tỷ lệ giải ngân).

Đối với khoản vay tại Ngân hàng VDB chi nhánh Bắc Kạn Thái Nguyên, đến nay, VDB vẫn chưa thực hiện cơ cấu nợ gốc và lãi cho TISCO. Hàng tháng, VDB vẫn thông báo thu nợ, tính lãi phạt và đang xếp tín dụng của TISCO vào nợ xấu nhóm 5. Do mỏ Tiến Bộ đã đi vào sản xuất nên năm 2017, TISCO tiếp tục trả VDB chi nhánh Bắc Kạn Thái Nguyên 14 tỷ đồng.

Đến thời điểm 31/5, TISCO đang nợ VDB 1.573 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 415 tỷ đồng.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến