Biển quảng cáo của hãng Coca Cola tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/ TTXVN
Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, tài chính… đối với các doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) để thu hút nguồn vốn này vào Việt Nam.
Tỷ trọng đóng góp vào GDP của doanh nghiệp FDI ngày càng cao, nhưng việc kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của một số doanh nghiệp FDI chưa tương xứng với kỳ vọng.
Hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai, báo lỗ khá phổ biến với nhiều nguyên nhân, trong đó hành vi chuyển giá đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng trong nhiều năm qua.
Chuyển giá là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn hay nhóm liên kết không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế phải nộp của các tập đoàn hay của nhóm liên kết.
Bản chất của hoạt động chuyển giá là doanh nghiệp thường tính toán sẽ nộp tiền thuế ở đâu, ở Việt Nam, ở nước có trụ sở công ty mẹ hay ở nước có trụ sở công ty chính của họ...
Tổng cục Thuế cho biết, năm 2019 qua thanh tra, kiểm tra hơn 96,2 nghìn doanh nghiệp, nổi bật là số thuế truy thu từ các các công ty số vốn đầu tư ngoại chiếm tỉ trọng rất cao so với tổng số thuế xử lý qua thanh tra, kiểm tra.
Tổng số tiền xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 64.524 tỷ đồng, trong đó, tăng thu là hơn 18.800 tỷ đồng; giảm lỗ là gần 43.000 tỷ đồng… Tổng số tiền đã nộp vào ngân sách là 13.812 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phổ biến nhất với 3 nhóm, sản xuất hàng hóa tiêu thụ nội địa, làm hàng xuất khẩu và gia công hàng hóa xuất khẩu. Trong 3 lĩnh vực này, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều có một điểm chung là dùng thủ thuật chuyển giá.
Hành vi, thủ đoạn chuyển giá của các doanh nghiệp FDI thường là góp vốn vào doanh nghiệp trong nước bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng được đẩy giá lên rất cao so với giá trị thực.
Một hình thức chuyển giá khác được các doanh nghiệp FDI áp dụng là nâng chi phí đầu vào sản xuất cao hơn nhiều so với thực tế, từ đó sẽ kéo giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ và trốn được trách nhiệm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, các doanh nghiệp đều cố gắng vận dụng để né thuế, điển hình như vụ chuyển nhượng 100% cổ phần tại Nhà máy bia Heneiken Việt Nam – Hà Nội, doanh nghiệp đã kê khai nhưng vẫn có văn bản xin miễn, giảm tiền thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế giữa Việt Nam - Singapore.
Do đó, cơ quan thuế đã thanh tra và có quyết định xử lý đối với thương vụ này với số tiền bị truy thu và phạt hơn 917 tỷ đồng.
Hay mới nhất là Tổng cục Thuế đã truy thu, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp tiền thuế hơn 821 tỷ đồng đối với Coca-Cola Việt Nam; trong đó, hơn 471 tỷ đồng tiền thuế gốc và số còn lại là tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp tiền thuế.
Ngay sau đó, doanh nghiệp đã chấp hành nộp số tiền thuế gốc và nộp một phần nhỏ tiền phạt khai sai, tiền chậm nộp vào ngân sách Nhà nước dù vẫn chưa đồng thuận với quyết định thanh tra.
Trong Nghị quyết 50/NQ-TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 của Bộ Chính trị cũng đưa ra phương hướng để hạn chế tình trạng chuyển giá, gian lận thuế của các doanh nghiệp FDI.
Theo đó, phải hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá theo hướng nâng lên thành luật. Pháp luật về thuế, ngoại hối, hải quan, đầu tư, khoa học và công nghệ, về xây dựng cơ sở dữ liệu, công bố thông tin... cần bổ sung các quy định chặt chẽ để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp FDI.
Đồng thời, xây dựng bộ máy chuyên trách chống chuyển giá đủ mạnh, đủ năng lực; cơ chế kiểm tra liên ngành, chuyên ngành để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp.
Ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới ngành sẽ tập trung thanh tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết chiếm tỷ trọng lớn, doanh nghiệp FDI có phát sinh lỗ nhiều năm nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; các tổ chức cá nhân có giao dịch đáng ngờ.
Coca-Cola và Heineken là hai doanh nghiệp đầu tiên trong danh sách các doanh nghiệp FDI sắp tới sẽ bị kiểm tra.
Theo ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thì để chống chuyển giá, Việt Nam sẽ ban hành luật trong thời gian sắp tới. Đây là công cụ để chống lại việc các tập đoàn xuyên quốc gia có hành vi chuyển giá, trốn thuế.
Hay nói cách khác, giải pháp chống chuyển giá sẽ nâng cấp thành luật với các quy định gồm nguyên tắc quản lý thuế đối với doanh nghiệp có quan hệ giao dịch liên kết; quy định về hồ sơ xác định giá giao dịch; quy định về cơ sở dữ liệu thương mại sử dụng trong kê khai, quản lý xác định giá giao dịch liên kết.
Đặc biệt, cách xác định giá đầu tư đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu từ các bên có giao dịch liên kết cũng sẽ được quy định rất chặt chẽ.
Trong năm 2020, ngành thuế tiếp tục phải đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá để tránh thuế. Nhóm doanh nghiệp có rủi ro về chuyển giá là lĩnh vực gia công may và những doanh nghiệp tái cơ cấu.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy