Cụ thể, ngày 10/8, Hoàng Anh Gia Lai sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và dự kiến thực hiện lấy ý kiến trong tháng 9/2023.
Trong đó, Công ty dự kiến trình cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên, Công ty chưa công bố thông tin chi tiết của kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ sắp tới.
Trước đó, ngày 17/4/2023 là ngày kết thúc đợt chào bán riêng lẻ đã được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông qua ngày 17/1/2023. Tuy nhiên, Hoàng Anh Gia Lai đã không hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ theo quy định.
Hoàng Anh Gia Lai lý giải nguyên nhân không chào bán thành công do diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không phù hợp với giá chào bán dự kiến, dẫn đến việc các nhà đầu tư được chào bán đã từ chối chào mua.
Hoàng Anh Gia Lai cho biết, mục đích ban đầu đợt huy động vốn để bổ sung vốn cho các công ty con và thanh toán một phần nợ gốc trái phiếu. Tuy nhiên, không hoàn thành đợt chào bán, vì vậy Công ty thông qua phương án bù đắp thiếu hụt vốn.
Đầu tiên, Công ty sẽ giữ nguyên quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, đồng thời, sử dụng dòng tiền từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, vay vốn ngân hàng và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai để đảm bảo thực hiện kế hoạch theo phương án đầu tư sản xuất.
Thứ hai, Công ty sử dụng nguồn tiền từ việc thu nợ nhóm CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng anh Gia Lai và từ hoạt động thanh lý một số tài sản không sinh lời để thanh toán nợ gốc trái phiếu trong thời gian quy định.
Được biết, trong năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai thông qua kế hoạch đăng ký chào bán 161.904.760 cổ phiếu với giá 10.500 đồng/cổ phiếu để huy động gần 1.700 tỷ đồng, cổ phiếu phát hành bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm và dự kiến triển khai trong năm 2022.
Số tiền huy động, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến dùng gần 800 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động thông qua hình thức cho vay đối với công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai; 400 tỷ đồng bổ sung vốn thông qua hình thức cho vay đối với công ty con là CTCP Gia súc Lơ Pang; và 500 tỷ đồng trả nợ gốc đối với khoản trái phiếu do Công ty phát hành ngày 30/12/2016 với mã HAGLBOND16.26.
Chăn nuôi heo tiếp tục không đóng góp lợi nhuận trong tháng 5/2023
Về hoạt động kinh doanh, Hoàng Anh Gia Lai công bố ước tính kết quả kinh doanh trong tháng 5. Trong đó, Công ty ghi nhận doanh thu 626 tỷ đồng, tăng 11,2% so với doanh thu tháng 4 và lợi nhuận sau thuế 82 tỷ đồng, tăng 156,3% so với lợi nhuận tháng 4.
Về cơ cấu doanh thu, doanh thu ngành chăn nuôi là 136 tỷ đồng; doanh thu ngành cây ăn trái là 246 tỷ đồng; và doanh thu ngành phụ trợ là 244 tỷ đồng.
Công ty chia sẻ, trong bối cảnh giá heo hơi trong nước đã tăng nhẹ so với tháng 4 nhưng chỉ dao động quanh vùng giá thấp nên kết quả kinh doanh tháng 5 của Công ty tiếp tục chủ yếu đến từ doanh thu kinh doanh chuối, vì vậy kết quả kinh doanh tháng 5/2023 chưa khả quan.
Trước đó, trong báo cáo tháng 1, 2, 3 và tháng 4, Hoàng Anh Gia Lai cũng cho biết lợi nhuận đạt được chủ yếu do doanh thu từ chuối.
Luỹ kế 5 tháng đầu năm, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu 2.885,98 tỷ đồng, hoàn thành 56% so với kế hoạch và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 417,38 tỷ đồng, hoàn thành 37% so với kế hoạch.
Hoàng Anh Gia Lai sở hữu thêm tối thiểu 5.000 ha đất tại Campuchia
Một diễn biến đáng chú ý khác, Hoàng Anh Gia Lai vừa cho biết thông qua kết quả rà soát số liệu căn cứ trên báo cáo tài chính của Công ty và Công ty cổ phần Lê Me, thống nhất phương án chuyển đổi số dư nợ cho vay và lãi phải thu của Lê Me thành vốn góp cổ phần.
Như vậy, sau khi Lê Me phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ, tỷ lệ sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai tại Lê Me sẽ là 87,74% vốn điều lệ và chính thức hợp nhất vào Hoàng Anh Gia Lai.
Công ty cổ phần Lê Me được thành lập ngày 7/8/2018; địa chỉ 178 Hùng Vương, phường Hội Thương, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai; hoạt động trong lĩnh vực trồng cây ăn quả; và người đại diện pháp luật là ông Lê Văn Thạch.
Còn nhớ trong Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 26/11/2021, ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai từng chia sẻ với cổ đông, Công ty Lê Me đang sở hữu 5.000 ha đất tại Campuchia, đã làm thủ tục được 3.000 ha, còn lại 2.000 ha đang làm thủ tục. Trong thời gian tới, Lê Me sẽ xin thêm 5.000 ha đất, nâng tổng quỹ đất lên 10.000 ha.
Tính tới 31/12/2022, trên Báo cáo tài chính, Hoàng Anh Gia Lai đang ghi nhận khoản 440 tỷ đồng phải thu dài hạn liên quan hợp đồng hợp tác kinh doanh với CTCP Lê Me. Trong đó, khoản phải thu thể hiện phần vốn góp kinh doanh cho Lê Me ký ngày 8/9/2020 về việc hợp tác đầu tư vào dự án trồng cây ăn quả của Lê Me trong 4 năm, hợp đồng không yêu cầu lập pháp nhân mới, lợi nhuận sẽ được phân chia dựa trên kết quả kinh doanh của dự án, bắt đầu từ khi dự án phát sinh doanh thu. Tại thời điểm cuối năm 2022, dự án trên vẫn đang trong quá trình xây dựng cơ bản và chưa phát sinh doanh thu.
Thêm nữa, tại thời điểm 31/3/2023, Hoàng Anh Gia Lai đang có khoản cho vay ngắn hạn 2.753,4 tỷ đồng tại CTCP Lê Me; cho vay dài hạn 589,14 tỷ đồng đối với CTCP Lê me; lãi cho vay ngắn hạn 721,58 tỷ đồng đối với CTCP Lê Me…
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/7, cổ phiếu HAG tăng 160 đồng lên 8.650 đồng/cổ phiếu.
Tác giả: Duy Bắc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy