Từ Công Phượng đến “Hoàng Anh Gia Lai” ở sân Emirates
16/01/2015 12:59:48
ANTT.VN - Trước “bầu Đức” không có doanh nghiệp nào đổ tiền vào làm bóng đá và trước khi đổ tiền vào bóng đá thì cũng chẳng mấy người biết Đoàn Nguyên Đức là ai. Khi doanh nhân Đoàn Nguyên Đức trở thành “bầu Đức” thì ngoài “phố núi Pleiku” cũng không người tiêu dùng nào biết đến thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai.

"Bầu Đức" - một doanh nhân của những quyết định tiên phong

Trán hói, ria con kiến, tóc muối tiêu, vóc người nhỏ nhắn, vận áo phông, diện quần jean, đi giày thể thao, không bao giờ mặc complet và hoạ hoằn lắm mới sơ mi, cà vạt, một vẻ ngoài quá “phổ thông” và một phong cách thời trang cũng quá “xoàng”. Một đại gia thực sự trong dáng bộ của một trí thức thất thời, ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai giản dị đến độ bình dân và cũng ít ai gọi vị Chủ tịch giàu nhất nhì sàn chứng khoán Việt Nam này là “Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức”, người ta quen gọi cái người đầu tiên sở hữu máy bay riêng ở Việt Nam ấy là “bầu Đức”.

Nhắc đến Hoàng Anh Gia Lai là nhắc đến “bầu Đức” và cũng không biết từ lúc nào nghĩ đến “bầu Đức” là người ta lại liên tưởng đến bóng đá Việt Nam. Trước Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch của một câu lạc bộ bóng đá nội vẫn được gọi là “chủ tịch CLB”, sau Đoàn Nguyên Đức, thay vì gọi theo chức danh như thế công chúng bắt đầu quen gọi người đứng đầu một CLB bóng đá là “ông bầu”, sau “bầu Đức” xuất hiện thêm “bầu Kiên”, “bầu Long”, “bẩu Hiển”, “bầu Trường”, “bầu Thuỵ”….

Trước “bầu Đức” không có doanh nghiệp nào đổ tiền vào làm bóng đá và trước khi đổ tiền vào bóng đá thì cũng chẳng mấy người biết Đoàn Nguyên Đức là ai, và trước khi doanh nhân Đoàn Nguyên Đức trở thành “bầu Đức” thì ngoài “phố núi Pleiku” cũng không người tiêu dùng nào biết đến thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai. Cho đến thời điểm hiện tại, bảng điện tử với dòng chữ “Hoang Anh Gia Lai Viet Nam” đều đặn chạy sáng trong mỗi trận đấu trên sân nhà Emirates của câu lạc bộ danh tiếng Arsenal và đưa thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai đến với đông đảo công chúng khắp thế giới.

Bảng quảng cáo của Hoàng Anh Gia Lai Việt Nam xuất hiện trên sân Emirates trong trận lượt đi giải ngoại hạng Anh giữa Arsenal và MU. Ảnh: Tuổi trẻ

Phải khẳng định Đoàn Nguyên Đức là một “ông bầu” có một tình yêu thực sự dành cho bóng đá. Bầu Đức “máu” bóng đá, đầu tư mạnh tay cho bóng đá và làm bóng đá bài bản chứ không như 1 số ông bầu làm bóng đá theo kiểu trào lưu, hứng lên thì mua về để đánh bóng thương hiệu (và thoả mãn cái chí hướng được đời phong danh “bầu”), dăm bữa nửa tháng, chán chê rồi lại đem con bỏ chợ.

Bầu Đức làm bóng đá thực tâm và bầu Đức cũng chính là người đi tiên phong trong việc dùng bóng đá để truyền thông thương hiệu. Mối quan hệ cộng sinh doanh nghiệp nuôi bóng đá, bóng đá quảng bá doanh nghiệp ở Hoàng Anh Gia Lai bền chặt và hiệu quả.

Pha “knock out” ngôi sao bóng đá số 1 Đông Nam Á Kiatisak của bầu Đức năm 2002 vẫn được đông đảo giới kinh doanh truyền kỳ như một trong những cú “áp phe” nổi tiếng và thành công nhất trong lịch sử PR thương hiệu nhờ vào môn thể thao vua. Năm ấy, giám đốc Đoàn Nguyên Đức khi đó vẫn chưa trở thành một  “bầu Đức” giàu có, uy tín và nhiều quyền lực như bây giờ, còn Hoàng Anh Gia Lai khi ấyvẫn chỉ được ví như một “lò gỗ” nhỏ nhoi giữa đại ngàn Tây Nguyên nhưng cũng chính năm ấy doanh nghiệp nhỏ bé phố núi Pleiku cùng với ông chủ có với tầm nhìn rất xa của mình đã dám liều lĩnh một việc “tày đình”, khăn gói sang tận thủ đô Vọng Các rước mua “Zico Thái”, ngôi sao bóng đá có tầm phủ sóng rộng khắp ASEAN về thi đấu cho Hoàng Anh Gia Lai, một câu lạc bộ vô danh xứ sở núi rừng, đang thi đấu ở hạng 2 của bóng đá Việt Nam.

Bỏ qua bao ánh mắt nhạo báng của truyền thông trong nước và Thái Lan, chinh phục ánh nhìn lạ lẫm nghi ngờ của nhiều người, bầu Đức đã chứng minh quyết tâm sắt đá của mình khi ngày 17/02/2012 cây làm bàn xuất sắc nhất Đông Nam Á cùng đồng đội Chukiat chính thức đặt chân xuống phố núi, về thi đấu dưới màu áo HAGL.

Kiatisak là một cú "áp phe" thành công nhiều mặt của HAGL 

Ngoài những đóng góp đơn thuần về chuyên môn trên lĩnh vực bóng đá với 2 chức vô địch Vleague, Kiatisak cũng tạo ra một “cú hích” mạnh mẽ cho thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai trên mặt trận kinh tế. Thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai đều đặn xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông và khắc sâu vào tâm trí công chúng, hỗ trợ tích cực giúp các sản phẩm HAGL chiếm lĩnh thị trường và đưa HAGL trở thành một trong những tập đoàn kinh tế phát triển đây năng động.

Sau thành công lớn của Hoàng Anh Gia Lai, một loạt các doanh nghiệp và doanh nhân cũng “bắt chước” bầu Đức đổ tiền vào bóng đá nhưng không một công ty nào có thể gặt hái được thành quả mỹ mãn như HAGL và cũng chưa một ông bầu nào thực sự có cái tâm với bóng đá như bầu Đức.

Trước hết, bầu Đức làm bóng đá vì tình yêu, nhưng với tư duy nhạy bén của mình vị Chủ tịch của HAGL, “doanh nhân Đoàn Nguyên Đức” cũng biết cách tận dụng sức hút của bóng đá để phát triển thương hiệu và sử dụng bóng đá như một phương tiện tiếp cận, thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường.

Năm 2009, ngôi sao Việt kiều Lee Nguyễn cũng khoác túi về thi đấu dưới màu áo HAGL. Về mặt chuyên môn, đây có thể coi là một hợp đồng thất bại khi ngôi sao đang toả sáng ở MSL này không thể hoà nhập và đóng góp lớn cho thành tích của “Gỗ” (biệt danh của CLB HAGL) nhưng về giá trị thương hiệu , phi vụ này theo như bầu Đức thì “xứng đáng tới từ xu”. Bởi đơn giản, là một ngôi sao lớn mọi kết quả thi đấu, dẫu hay dẫu dở, mỗi tin tức về Lee Nguyễn dầu tích cực hay tiêu cực đều được đưa tin dày đặc trên các phương tiện truyền thông, điều này vô hình chung giúp thương hiệu HAGL tiếp tục phủ sóng tới công chúng, thậm chí hiện tại, khi Lee Nguyễn đã rời phố núi nhiều năm và đang thi đầu đầy khởi sắc ở giải nhà nghề Mỹ bên kia bờ Thái Bình Dương thì những bài báo, thước phim đưa tin về chủ đề “hot” này cũng không bao giờ quên kèm thêm chi tiết “Lee Nguyễn từng về Việt Nam thi đấu cho HAGL giai đoạn 2009-2010”.

Hay hiện tại, lứa gà nòi của Học viện bóng đá HAGL-Arsenal-JMC cũng đang gây “bão” truyền thông với một xu thế làm bóng đá tiên phong: “dạy cầu thủ văn hoá trước khi dạy đá bóng” cũng giúp HAGL ghi điểm tích cực từ phía công chúng.

Một lần nữa, cần phải khẳng định Đoàn Nguyên Đức là một doanh nhân có tầm nhìn xa rộng, dám nói dám làm, có một tư duy quản trị, điều hành tiên phong, khác biệt và nhạy bén. Điều đó không chỉ được thể hiện trong lĩnh vực truyền thông bóng đá.

Một minh chứng rõ nét nhất cho tầm nhìn và khả năng xử lý tài ba của vị chủ tịch HAGL đó là ngay từ giai đoạn BĐS còn đang vàng son (năm 2008), Đoàn Nguyên Đức đã biết điều hướng đầu tư của tập đoàn mình từ BĐS sang phát triển nông nghiệp, sau khi đầu tư cả tỷ đô la sang dự án cao su ở Lào và khi thị trường mủ cao su thế giới bộc lộ những khó khăn ông chủ có vóc người nhỏ bé và gu thời trang giản dị này lại ngay lập tức thể hiện tài ứng biến của mình khi nhanh chóng rẽ dòng đầu tư sang thị trường mía đường đầy tiềm năng và thậm chí bã mía (sau khi ép đường) cũng được ông bầu này chỉ đạo tận dụng để làm nguyên liệu nuôi bò sữa.

N.G

 
 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến