Học Obama cải cách thuế
16/03/2015 13:08:08
ANTT.VN - Chỉ trong 3 tháng đầu năm, ông chủ Nhà Trắng đã liên tục đưa ra các chính sách kiên quyết nhằm "thay máu" hệ thống thuế vụ và quản lý ngân sách nhiều vấn đề của nước Mỹ.

Tăng thuế nhà giàu

Đầu tháng 1 năm nay, chủ nhân Nhà Trắng đã kêu gọi tăng thuế đối với giới nhà giàu và giúp tầng lớp trung lưu trong chương trình thông điệp Liên bang.

Giới chức Hoa Kỳ cho hay đề xuất này sẽ giúp tận thu được 320 triệu USD trong vòng 10 và rót số tiền này vào quỹ an sinh xã hội.

Với kinh tế Hoa Kỳ đang tăng trưởng, Tổng thống Obama muốn nhấn mạnh trong thông điệp rằng giờ là lúc những gia đình trung lưu của nước Mỹ được hưởng lợi ích.

Cụ thể, chính sách này sẽ giúp “khép lỗ hổng” trong việc thu thuế của những người giàu với kế hoạch

- Khép lại lỗ hổng cho phép những người Mỹ giàu có nhất qua được một số quy định về các loại tài sản miễn thuế.

- Nâng cao thuế tăng vốn từ những người có thu nhập 500.000 USD/năm từ 23,8% lên 28%

- Quy định phí mới với các doanh nghiệp tài chính có tài sản trị giá hơn 50 triệu USD.

Doanh thu từ kế hoạch này có thể thừa đủ để hỗ trợ an sinh cho những hộ gia đình trung lưu, theo giới chức.

Trong đó gồm có tăng tín dụng chăm sóc trẻ em lên gấp ba lần đối, giúp đỡ các gia đình có cả bố và mẹ cùng làm việc và có thêm các ưu đãi khác để tiết kiệm lương hưu.

Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa đi đến hồi kết do một số thành viên trong lưỡng viện gạt đi do cho rằng "chính sách này sẽ làm ảnh hưởng tới cả các doanh nghiệp nhỏ, các nhà đầu tư và phủ nhận lợi ích của các chính sách thuế vốn đã thành công trong việc giúp phát trển nền kinh tế,” theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ, ông Orrin G Hatch.

Đánh thuế nước ngoài

Trong dự luật ngân sách tài khóa 2016 công bố đầu tháng 2 năm nay , ông Obama cũng đề xuất đánh thuế vào tiền lãi của các tập đoàn Mỹ thu được từ kinh doanh ở nước ngoài (việc chưa từng có tiền lệ trước đây). Với đề xuất này, Tổng thống Obama mong muốn có thêm chi phí hỗ trợ cho các gia đình ở tầng lớp thấp.

Dự luật ngân sách tài khóa 2016 thể hiện mong muốn rút ngắn khoảng cách giữa những người quá giàu và những người còn lại Tổng thống Obama đã nêu trong bài diễn văn về thông điệp liên bang hồi tháng 1.

Theo luật hiện hành tại Mỹ, mức thuế doanh nghiệp là 35%, khá cao so với các quốc gia khác vậy nên hàng trăm doanh nghiệp đã tìm cách trốn thuế bằng cách ghi nhận doanh thu tại nước ngoài. Tuy nhiên theo dự luật này, mức thuế doanh nghiệp nội địa sẽ giảm xuống 28%, bên cạnh đó các tập đoàn Mỹ phải nộp ngay 14% tiền thuế đối với 2.100 tỉ USD thu được từ nước ngoài và nộp 19% với tổng số lãi thu được từ nước ngoài.

Đây là một trong những đề xuất đầy kiên quyết của ông Obama sau khi thông tin về hơn 2.100 tỷ USD lợi nhuận của các tập đoàn lớn tại Mỹ được cất giấu tại nước ngoài công khai trên các phương tiện truyền thông gây dư luận xôn xao.

Xử lý “quả bom nổ chậm” trong nền kinh tế Mỹ

Thống kê của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết trong vòng một thập niên qua, gánh nặng nợ nần của sinh viên Mỹ đã tăng gấp hơn ba lần, trở thành một “quả bom nổ chậm” nguy hiểm không kém khoản vay thế chấp dưới chuẩn từng đẩy nước Mỹ vào cuộc đại khủng hoảng giai đoạn 2007-2009. 

Với mức chi phí tăng hơn 1.000% trong một thập kỷ qua cho bốn năm đại học, tổng khoản nợ của sinh viên Mỹ năm 2012 đã vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ USD, chỉ đứng sau khoản nợ thế chấp.

Hiện nay trên toàn nước Mỹ có khoảng 37 triệu người vẫn đang phải trả các khoản nợ từ thời sinh viên. Khoảng 43% người Mỹ dưới tuổi 25 vẫn còn vướng vào các khoản nợ này,  trung bình khoảng 20.326 USD. Lượng tiền cho sinh viên vay trong năm 2010 lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 100 tỷ USD/năm. 

Mới đây vào ngày 10/3 tổng thống Obama  đã ký “Quyền Của Sinh Viên Đang Nợ Tiền Học” (Student Aid Bill of Rights), để hộ trợ thêm cho sinh viên trong việc trả tiền nợ mà họ đã vay khi đi học.

Theo bản ghi nhớ này, hơn 40 triệu người Mỹ nợ tiền nhà nước từ thời sinh viên, sẽ nhận được những nguồn hỗ trợ để trả những khoản nợ của họ.

Nhà Trắng cho biết họ sẽ yêu cầu các công ty phải tiết lộ thông tin rõ ràng hơn, để bảo đảm rằng những người vay hiểu được ai là người đang phụ trách khoản nợ của họ, và làm cách nào để ấn định các khoản thanh toán hàng tháng và thay đổi kế hoạch trả nợ.

Vậy là chỉ trong gần 3 tháng đầu năm 2015, ông Obama đã liên tiếp đưa ra những chính sách tài chính khá là quyết liệt để cải cách hệ thống thuế vụ khá nhiều vấn đề của nước Mỹ. Năm 2014, Mỹ đã tụt hạng trong bảng xếp hạng mức độ tự do kinh tế do những bế tắc trong ngân sách, thuế và nợ dưới trướng của ông Obama.

Trong khi đó những đề xuất này vẫn đang trong quá trình chờ duyệt từ quốc hội hoặc đang bắt đầu triển khai, để thực sự biết được hiệu quả của chúng có lẽ cần một thời gian và nỗ lực hơn nữa từ chính quyền Barrack Obama.

Tú Anh (theo Bloomberg/WSJ)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến