Phối cảnh tổng thể Dự án Khu du lịch Đại Dương
Hodeco mất quyền chi phối Dự án Khu du lịch Đại Dương
Theo giới thiệu, Hodeco đang sở hữu gián tiếp Dự án Khu du lịch Đại dương (tên thương mại là Antares) tại Chí Linh - Cửa Lấp, phường 11, TP. Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu, quy mô 19,5 ha, tổng vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng do công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Giải trí Đại Dương Vũng Tàu trực tiếp đầu tư (Hodeco sở hữu 100% vốn điều lệ tại công ty con này).
Tuy nhiên, mới đây, Hodeco bất ngờ thông qua kế hoạch chuyển nhượng 11,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 55,6% vốn điều lệ Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Giải trí Đại Dương Vũng Tàu. Nếu giao dịch thành công, Hodeco chỉ còn sở hữu 44,4% vốn điều lệ tại công ty con này, mất quyền chi phối công ty và Dự án Khu du lịch Đại Dương cho đối tác (chưa công bố cụ thể bên nhận chuyển nhượng).
Theo tìm hiểu, năm 2019, Hodeco nâng tỷ lệ sở hữu lên 100% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Giải trí Đại Dương Vũng Tàu. Tính tới ngày 30/6/2022, giá trị gốc mà Hodeco đầu tư vào đơn vị này là 540 tỷ đồng, tương ứng giá mua trung bình 26.341 đồng/cổ phiếu.
Tại Dự án Khu du lịch Đại Dương, ở thời điểm 30/6/2022, Hodeco ghi nhận chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang hơn 660,1 tỷ đồng, tăng nhẹ 19,8 tỷ đồng so với đầu năm. Trước đó, Công ty liên tục tăng vốn đầu tư vào dự án này: năm 2019 đã đầu tư 286,91 tỷ đồng, năm 2020 thêm 250,57 tỷ đồng, năm 2021 thêm 33,95 tỷ đồng.
Theo kế hoạch năm 2022, Hodeco dự kiến hoàn thành điều chỉnh tổng thể quy hoạch 1/500; hoàn thành giấy phép xây dựng condotel, 29 villa và 8 khách sạn; hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật và 4 villa (mẫu), xây dựng hầm cùng 2 tầng nổi khối condotel 25 tầng tại Dự án Khu du lịch Đại Dương.
Dù liên tục đổ thêm vốn vào Dự án, nhưng Hodeco có dấu hiệu hợp tác và chuyển quyền chi phối cho đối tác bên ngoài. Cụ thể, tháng 6/2021, Công ty cho biết, đã đồng ý để đối tác (không cho biết tên cụ thể) triển khai đầu tư kinh doanh phần đất khoảng 11 ha (thuộc dự án 19,5 ha) tại các vị trí quy hoạch bất động sản du lịch. Riêng phần diện tích còn lại (phía mặt tiền biển) sẽ do Công ty đầu tư kinh doanh.
Dự án Khu du lịch Đại Dương bắt đầu mang lại dòng tiền
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 hồi cuối tháng 3/2022, Hodeco cho biết, năm 2022, phấn đấu ghi nhận 50% doanh thu phần hợp tác với đối tác, được hạch toán cho công ty con; phần còn lại sẽ ghi nhận trong năm 2023. Như vậy, sau giai đoạn đầu tư và hợp tác, Dự án Khu du lịch Đại Dương đang và chuẩn bị tạo dòng tiền, cũng như đủ điều kiện ghi nhận doanh thu.
Tuy nhiên, doanh thu và dòng tiền thực chất nằm tại Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Giải trí Đại Dương Vũng Tàu - đơn vị sẽ hợp nhất vào Hodeco. Nếu Hodeco bán 11,4 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Giải trí Đại Dương Vũng Tàu, đồng nghĩa sẽ mất quyền chi phối và có thể phải thay đổi cách ghi nhận từ công ty con sang công ty liên kết, gián tiếp không thể hợp nhất toàn bộ dòng tiền và doanh thu của Dự án Khu du lịch Đại Dương.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên đầu năm 2022, lãnh đạo Hodeco cho biết, trong những năm tới, doanh thu của Công ty sẽ được đóng góp chủ yếu từ Dự án Hải Đăng - The Light City, Khu du lịch Đại Dương, Ngọc Tước 2 và một số dự án khác. Trong đó, Hải Đăng - The Light City thu 1.000 tỷ đồng, Khu du lịch Đại Dương thu khoảng 600 - 700 tỷ đồng; Ngọc Tước 2 dự kiến thu 400 - 500 tỷ đồng...
Theo dữ liệu của SSI Research, giai đoạn năm 2022 - 2026, Dự án Khu du lịch Đại Dương sẽ tạo ra tổng doanh thu 3.192 tỷ đồng, dòng tiền ra 1.210 tỷ đồng, ước tạo ra 1.982 tỷ đồng. Đây là một dòng tiền bổ sung vào Hodeco để tiếp tục đẩy mạnh triển khai Dự án Phước Thắng quy mô 75,36 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 1.493 tỷ đồng và Dự án Wonderland với quy mô 234 ha (tổng vốn đầu tư chưa công bố), bên cạnh việc tiếp tục huy động thêm vốn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc đi vay bên ngoài.
Thay vì “bán non” Dự án Khu du lịch Đại Dương, Hodeco có thể tiếp tục triển khai và thu toàn bộ dòng tiền và lợi nhuận tạo ra sau giai đoạn đầu tư từ năm 2019 đến nay. Điều đáng nói, Hodeco có thể bán giá cao hơn giá mua trung bình 26.341 đồng/cổ phiếu và ghi nhận một nguồn lợi nhuận đột biến.
Thực tế trên diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông lớn tại Hodeco liên tục pha loãng. Cụ thể, năm 2019, Hodeco có 2 cổ đông lớn gồm Lucerne Enterprice Ltd sở hữu 9,02% vốn điều lệ, ông Đoàn Hữu Thuận, Chủ tịch HĐQT sở hữu 8,47% vốn điều lệ và 82,51% thuộc về nhóm cổ đông khác. Tới ngày 30/6/2022, cơ cấu cổ đông lớn còn ông Đoàn Hữu Thuận sở hữu 9,84% vốn điều lệ và trôi nổi bên ngoài lên tới 90,16% vốn điều lệ. Điều này tạo nên hoài nghi về sự gắn bó của Ban lãnh đạo khi không nắm quyền chi phối tại Công ty như các tập đoàn tư nhân lớn khác.
Tác giả: Duy Bắc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy