Dòng sự kiện:
Hồi ký cho con của liệt sĩ Nguyễn Thành Dũng
26/02/2015 09:17:32
ANTT.VN – “Con là hoàng tử của ba, con đi học về là lại hát cho ba nghe…Ba cầu mong sao cuộc sống cứ êm đềm như thế. Dự định đến đầu năm 2003 thì sẽ sanh cho con một đứa em nữa cho vui cửa vui nhà…”. Đó là những lời hết sức giản dị, chân tình của liệt sĩ Nguyễn Thành Dũng gửi cho con trai trong cuốn hồi ký.

Tin liên quan

Liệt sỹ, Thượng úy Nguyễn Thành Dũng, Cảnh sát hình sự Công an quận 11, thành phố Hồ Chí Minh trong khi chiến đấu chống tội phạm đã bị phơi nhiễm HIV mà không hề hay biết, sau đó vô tình lây sang vợ. Trong những năm tháng cuối đời, hai vợ chồng đã nhường nhau từng viên thuốc. Tháng 12/2005, vợ anh mất. Trong những ngày cuối cùng vật lộn với nỗi đau, khi sức ngày một yếu dần, cảm nhận về một điều hệ trọng sắp đến với bản thân và gia đình, anh dành thời gian để viết Hồi ký để lại cho con trai mình là bé Nguyễn Duy Minh mới 10 tuổi.

Cuon-hoi-ki-cho-con-cua-liet-si-Nguyen-Thanh-Dung

Cuốn Hồi ký cho con của liệt sỹ Nguyễn Thành Dũng hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Công an nhân nhân 

Ngày 13/6/2006, anh ra đi. Cuốn “Hồi ký cho con” trở thành một biểu tượng lung linh cho lòng quả cảm, kiên cường và tình yêu thương của người chiến sỹ Công an nhân dân.

Đầu tháng 9/2010, cuốn hồi ký viết cho con trai của liệt sỹ Nguyễn Thành Dũng trong những ngày hai vợ chồng anh chống chọi với căn bệnh thế kỷ đã được các cán bộ Bảo tàng Công an nhân dân sưu tầm và gìn giữ.

Tháng 8/1994, đồng chí Nguyễn Thành Dũng nhận quyết định về công tác tại Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 11. Trung úy Nguyễn Thành Dũng bắt đầu cuộc chiến đấu cam go khốc liệt với đủ loại tội phạm. Các đồng chí chỉ huy Công an quận khi ấy nhận xét về anh rằng: “Một chiến sĩ hình sự có vóc người nhỏ con nhưng sự dũng cảm thì ngược lại…”.

Anh cũng không biết mình bị lây nhiễm HIV trong trường hợp nào, anh chỉ ân hận một điều rằng: “Mình không biết sớm để tránh lây nhiễm cho vợ”.
Tháng 10/1998, khu vực bãi đất trống – bây giờ là trường học Chu Văn An, Quận 11, là một ổ buôn bán ma túy. Sau thời gian điều tra, Công an Quận 11 quyết định tung một mẻ lưới. Khi các cảnh sát hình sự ập vào, bọn tội phạm cũng chống trả quyết liệt hòng tẩu thoát, anh được phân công “chăm sóc” một tên cao to và dữ tợn với những hình xăm vằn vện trên tay.

Anh đã bị hắn đâm nhiều nhát dao vào người, máu anh và máu tên tội phạm cùng đổ rồi hai người vật lộn, cuối cùng tên tội phạm cũng phải chịu tra tay vào còng trước sự dũng cảm của anh.

Tháng 4/2001, sau một đợt truy quét những đối tượng tổ chức lấy chồng Đài Loan tại Công viên Lãnh Binh Thăng, anh thấy nhiều kim tiêm còn dính đầy máu tươi của những con nghiện vương vãi nhiều nơi ở công viên, sợ người khác dẫm phải, khu vực này lại nhiều trẻ con thường xuyên chạy nhảy nô đùa, anh lặng lẽ nhặt từng chiếc đem bỏ vào bịch, so ý một ống kim rơi xuống làm chân anh chảy máu….

Tháng 2/2002, anh bị sốt cao kéo dài vào mỗi lúc hoàng hôn, nghĩ bị sốt rét, anh vào nằm Viện 30/4 và xét nghiệm máu. Cầm tờ giấy xét nghiệm trên tay, vợ anh bật khóc nức nở, còn anh thì chết lặng…

Đầu năm 2006, trong bệnh viện, khi sức khỏe của anh như ngọn đèn leo lét trước gió, anh bảo sẽ viết hồi ký để lại cho con trai anh. Con anh còn quá nhỏ, những lời dặn dò của anh bây giờ, anh sợ bé sẽ mau quên. Anh muốn ghi lại một phần đời ngăn ngủi của mình, sau này, một ngày nào đó, con anh đọc, nó sẽ tự hiểu về người cha, người mẹ của nó.

“…Ngày 26/1/1995 thì đám cưới của ba và mẹ được tiến hành. Một đám cưới giản dị nhưng tràn đầy hạnh phúc.

Đầu tháng 4/1995, mẹ báo tin vui cho ba biết là mẹ đã có thai, ba mừng quá ôm mẹ nâng cao và hôn nhẹ vào bụng mẹ: “Cảm ơn em, anh ước gì nó là con trai…”. Mẹ cười: “Em thì trai gái gì cũng được”. Lúc này, lương chiến sĩ cũng nghèo lắm, nhưng ba cũng cố dành dụm để lo cho con.

Rồi 9 tháng cũng qua, ngày 24/1/1996, ba mừng đến rơi nước mắt khi nghe tiếng khóc chào đời của con.

Cuộc sống của gia đình ta thật hạnh phúc…

Con là hoàng tử của ba, con đi học về là lại hát cho ba nghe…Ba cầu mong sao cuộc sống cứ êm đềm như thế. Dự định đến đầu năm 2003 thì sẽ sah cho con một đứa em nữa cho vui cửa vui nhà…”.

Niềm an ủi duy nhất, hạnh phúc duy nhất của hai vợ chồng anh là bé Nguyễn Duy Minh xét nghiệm âm tính. Những ngày sau đó, hai vợ chồng anh cứ kìm nén nỗi khao khát được ôm thằng bé vào lòng. Anh thú thật rằng: “Nhiều khi nghĩ quẩn, mình và vợ muốn chết cho xong nhưng chỉ lo cho thằng bé, mẹ già…”.

Nhiều đêm thằng bé ngủ, anh chị muốn đặt môi vào đôi má bầu bĩnh của con nhưng rồi lại sợ, sợ lây nhiễm qua thằng bé, nỗi sợ vô hình cứ đẩy anh chị phải xa con nhỏ. Những giọt nước mắt của người mẹ nhiều đêm rớt lên đôi má con trẻ ấy. Chỉ tội cháu bé vô tư, thấy ba mẹ ở đâu là sấn vào ôm vai bá cổ, anh chị phải cắn răng kiên quyết từ chối tình cảm thiêng liêng ấy! Khi phát bệnh nặng, vợ chồng anh đã gửi hẳn bé Minh về ở bên ngoại.

Ai đã từng một lần đọc cuốn hồi ký của anh đều không thể cầm lòng mình trước những điều tâm huyết tận đáy lòng của một chiến sỹ Công an nhân dân đã hết mình cống hiến cho Tổ quốc và kiên trì chống chọi với bệnh tật, làm sáng ngời phẩm chất của người chiến sĩ Công an. Ở đó, mọi người sẽ bắt gặp hình ảnh một người cha yêu thương con hết mực, chăm lo cho gia đình và lúc nào cũng tận tụy với công việc. Ngôn ngữ thân thiện, giản dị của cuốn hồi lý thực sự làm rung động trái tim của những ai đã từng đọc nó. 18 trang hồi ký viết mộc mạc, giản dị, chân tình và ấm áp của người cha viết cho con trai gồm các phần: Phần I có tên “Thuở hàn vi của ba”, Phần II có tên “Thuở mẹ gặp ba và có con”, Phần III có tên “Ba mẹ gặp tai nạn”. Ngoài những dòng viết cho con trai, phần cuối cuốn sổ nhỏ  có ghi chép lại một bài có tên “Cung đàn mới” (Lưu thủy hành vân) thể hiện sự lạc quan và niềm tin tưởng vào cuộc đời, vào con người trước lúc Thượng Úy Nguyễn Thành Dũng ra đi mãi mãi…

(Theo Những kỉ vật lịch sử Công an nhân dân)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến