Dòng sự kiện:
Hội nghị G20: Cơ hội để Tổng thống Trump 'hóa giải' căng thẳng
28/06/2019 14:35:43
Hội nghị G20 sắp tới ở Nhật Bản liệu có phải một cơ hội để ông Trump hóa giải căng thẳng với các quốc gia khác như Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên...?

Đình chiến với Trung Quốc

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới tại Osaka sẽ tập trung thảo luận về cuộc chiến thương mại giữa 2 nước kéo dài trong suốt thời gian qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ cũng thể hiện mong muốn thảo luận riêng với Chủ tịch Trung Quốc sau khi các cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc thất bại hồi tháng 5. Trung Quốc từ chối chấp nhận bản dự thảo thỏa thuận mà Mỹ đưa ra. Dự thảo này yêu cầu phía Trung Quốc phải loại bỏ quy định các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ khi hoạt động ở thị trường nước này, dỡ bỏ các rào cản để tự do cạnh tranh, cung cấp việc tiếp cận các dịch vụ tài chính và dừng thao túng tiền tệ. Washington cũng yêu cầu Bắc Knh phải dừng "trộm cắp" sở hữu trí tuệ và các bí mật thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã loại bỏ khỏi dự thảo thỏa thuận tất cả các điều kiện trên.

Tổng thống Trump tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đòi đàm phán lại và không chấp nhận 95% thỏa thuận, đồng thời đe dọa sẽ áp thuế bổ sung lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nếu cuộc đàm phán sắp tới với ông Tập thất bại. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho rằng các điều khoản trong thỏa thuận thương mại với Trung Quốc cần phải nghiêm ngặt và có tính ràng buộc.

Trước đó, Mỹ và Trung Quốc đều nhất trí một số nhượng bộ với nhau. Bắc Kinh sẵn sàng thảo luận về vấn đề chuyển giao công nghệ bắt buộc, tội phạm mạng, đề xuất sẽ trợ cấp theo các quy định của WTO đồng thời hứa sẽ mua 1 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong 6 năm tới.

Đổi lại, Mỹ cũng không bắt buộc Trung Quốc phải dừng bảo trợ cho các ngành công nghiệp sở hữu nhà nước.

Mỹ và Trung Quốc có đạt được thỏa thuận thương mại tại Hội nghị G20 hay không vẫn chưa thể khẳng định được, nhưng hiện nay cả 2 bên đều nỗ lực phát đi những tín hiệu tích cực cho thấy thiện chí giải quyết cuộc chiến tranh thương mại dai dẳng này. Đặc biệt, theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, chỉ 3 ngày trước khi diễn ra cuộc hợp cấp cao giữa 2 nhà lãnh đạo, thỏa thuận Mỹ-Trung hiện đã hoàn thành 90%. Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng nhiều lần khẳng định rằng ông có "mối quan hệ tuyệt vời" với ông Tập. Theo một quan chức Mỹ nhận định trong tuần này, Tổng thống Trump "khả thoải mái" khi tham dự Hội nghị G20 bởi "nhiều công ty đang rời khỏi Trung Quốc. Và nền kinh tế Mỹ thì mạnh lên trong nhiều thập kỷ trở lại đây".

"Tổng thống Trump thích các thỏa thuận, ông ấy có lẽ sẽ đồng ý điều gì đó. Nhiều khả năng hai bên sẽ nhất trí "đình chiến" và nối lại các cuộc đàm phán hoặc cố gắng tiến tới một thỏa thuận nào đó trong khoảng 3 tháng", Matthew Goodman - một chuyên gia kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế nhận định.

Phá vỡ thế bế tắc Triều Tiên

Một chủ đề khác cũng được thảo luận tại Hội nghị G20 là chương trình hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, trong vấn đề này, những nhân tố chủ chốt không phải ai khác cũng vẫn là ông Trump và ông Tập.

Tổng thống Trump sẽ tới Hàn Quốc sau Hội nghị G20 kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội hồi tháng 2/2019 kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận.

Dù vậy,trong suốt thời gian đó, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vẫn thường xuyên trao đổi những bức thư cá nhân và dành những lời "có cánh" cho nhau. Thậm chí, trong cuộc phỏng vấn độc quyền với The Hill, Tổng thống Trump cho biết ông Kim đã gửi cho ông một bức thư chúc mừng sinh nhật - một bức thư mà ông Trump cho là "hay và rất tuyệt vời".

Tuy nhiên, thật tình cờ mà cũng có thể là hữu ý khi Hội nghị G20 diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Tập kết thúc chuyến thăm mang ý nghĩa biểu tượng tới Triều Tiên. Một số chuyên gia nhận định rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ gắn các cuộc đàm phán thương mại với vấn đề Triều Tiên để đòi hỏi sự nhượng bộ lớn từ phía Mỹ.

Mới đây, Triều Tiên đã yêu cầu Hàn Quốc dừng vai trò hòa giải mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington, đồng thời gây sức ép hối thúc Mỹ đưa ra các đề xuất mới để phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán hiện nay. Vai trò của Hàn Quốc giảm đi sẽ khiến vai trò như một bên trung gian hòa giải của Trung Quốc tăng lên. Bắc Kinh hiểu điều này và hàm ý rõ nhất là chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập Cận Bình - chuyến thăm đầu tiên của 1 nhà lãnh đạo Trung Quốc tới quốc gia này trong 14 năm qua.

Giải quyết vấn đề Iran

Chính quyền Tổng thống Trump dường như đang cô độc trong cuộc đối đầu với Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt trừng phạt lên Tehran bất chấp những can ngăn của các đồng minh EU.

Căng thẳng Mỹ - Iran đã nóng lên hồi tuần trước sau khi Tehran bắn hạ một máy bay không người lái của Washington. Trong khi Iran cho rằng máy bay của Mỹ đã vi phạm không phận nước này thì Washington cho rằng máy bay của họ đang hoạt động trên vùng biển quốc tế.

"Có một số điều mà các nhà lãnh đạo đang yêu cầu Tổng thống Trump làm rõ và trong đó có việc Mỹ phải đạt được một hướng tiếp cận thống nhất trước tình hình hiện nay. Điều duy nhất mà tôi vẫn chưa rõ là liệu Mỹ có một chính sách hay một hướng tiếp cận nào như vậy với Iran hay không", Heather Conley - Giám đốc Chương trình châu Âu CSIS cho biết.

Chính quyền Tổng thống Trump đã thông báo các lệnh trừng phạt nhắm vào Lãnh tụ Tối cao Iran và các quan chức cấp cao khác ngày 24/6. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin cho biết chính quyền ông Trump đã không tham vấn đồng minh khi đưa ra quyết định này.

Nhật Bản - nước chủ nhà Hội nghị G20 trong những tuần gần đây đã nỗ lực hết sức trong vai trò hòa giải căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Thủ tướng Shinzo Abe đã tới Tehran để gặp các nhà lãnh đạo Iran - những người hầu như không có hứng thú với việc đàm phán với Tổng thống Trump.

Một quan chức Nhật Bản cho biết ông Abe "quan tâm sâu sắc" đến căng thẳng gia tăng giữa Mỹ với Iran, đặc biệt sau khi 2 tàu chở dầu bị tấn công trên Eo biển Hormuz gần đây. Quan chức này cũng nhận định thêm Nhật Bản dựa vào khu vực này để đảm bảo an ninh năng lượng nên việc giữ khu vực này ổn định có vai trò vô cùng quan trọng với Tokyo.

Cải thiện quan hệ với Nga

Tổng thống Trump đã cân nhắc trong một thời gian dài về cuộc gặp với Tổng thống Putin nhằm thảo luận về các vấn đề còn vướng mắc trong quan hệ 2 nước. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2018 ở Buenos Aires, Argentina, ông Trump đã hủy cuộc gặp với ông Putin sau sự cố giữa Nga và Ukraine trên Eo biển Kerch. Cuộc gặp Trump – Putin tại Hội nghị G20 ở Nhật Bản sắp tới là cuộc gặp lần đầu tiên kể từ khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller đưa ra kết luận trong cuộc điều tra gần 2 năm về việc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết "không có chương trình nghị sự chính thức" cho cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Nga-Mỹ lần này nhưng vấn đề Syria, Ukraine, Iran và việc kiểm soát vũ khí hạt nhân đều là những chủ đề có thể được đưa ra thảo luận. Hiện Moscow và Washington chưa đạt được sự thống nhất trong bất kỳ vấn đề nào. Nga không ủng hộ việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trong khi Washington muốn Nga phải dừng việc thi công đường ống dẫn dầu Dòng chảy phương Bắc 2. Mỹ coi Nga là một đối thủ cạnh tranh trong vai trò là nhà cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho châu Âu. Ngoài ra, hệ thống tên lửa S-400 cũng là một "nút thắt" trong quan hệ Nga - Mỹ.

Tổng thống Trump đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ lưỡng đảng hồi năm 2018 sau Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin ở Helsinki, Phần Lan. Dù vậy, ông Trump vẫn nhiều lần khẳng định ông tin rằng Mỹ sẽ có nhiều lợi ích hơn nếu cải thiện quan hệ với Nga.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẵn sàng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh đến sự cần thiết trong việc xây dựng quan hệ với Moscow và Bắc Kinh.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản năm nay “nóng” lên bởi nhiều vấn đề. Dù chưa biết liệu hội nghị này có thể giúp các quốc gia “hóa giải” căng thẳng với nhau hay không nhưng ít nhất nó đã phần nào tạo nên một diễn đàn để các quốc gia có thể ngồi lại và đối thoại với nhau nhằm tìm ra những giải pháp chung cho các “điểm nóng” trên thế giới.

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến