Dòng sự kiện:
'Hồi sinh' cổ bàn tay bị đứt lìa cho bệnh nhân 69 tuổi
28/10/2020 14:02:36
Sau 4 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ Bệnh viện Chấn thương – Chỉnh hình Nghệ An đã nối thành công bàn tay bị đứt lìa cho một bệnh nhân nữ.

Tai nạn lao động gây đứt lìa cổ bàn tay

Chị N.T.T, 69 tuổi ở Hương Khê – Hà Tĩnh vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại giây phút mình bị máy tuốt lúa cuốn đứt lìa cổ bàn tay bên trái. Chị T. kể, trong quá trình làm việc, không may chị bị tai nạn lao động, máy cắt đứt lìa bàn tay, máu chảy xối xả làm chị vô cùng hoảng loạn và lo lắng. Ngay sau đó, chị được gia đình đưa đến Bệnh viện gần nhà sơ cứu cầm máu, giảm đau và bảo quản lại phần tay đứt rời.

Cổ tay của bệnh nhân trước và sau khi được thực hiện phẫu thuật

Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An tiếp nhận bệnh nhân T. 6 giờ sau khi sự việc xảy ra. Thời gian xảy ra tai nạn gây đứt lìa đã khá lâu, hơn nữa, bệnh nhân tuổi đã cao nên quá trình khâu nối và phục hồi lưu thông mạch máu càng trở nên khó khăn hơn.

Các bác sĩ xác định mỗi phút qua đi, cơ hội phục hồi bàn tay cho nữ bệnh nhân sẽ rút ngắn lại. Vì thế, các bác sĩ nhanh chóng thực hiện các xét nghiệm, hội chẩn chuyên khoa, sau đó tiến hành phẫu thuật vi phẫu cấp cứu nối lại cổ tay đứt rời cho người bệnh.

Phẫu thuật nối thành công cổ bàn tay bị đứt lìa

Phẫu thuật được tiến hành bởi kíp mổ của bác sĩ Nguyễn Duy Quyết – phó trưởng khoa Chi Trên và các cộng sự. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ mang lại kết quả thành công tốt đẹp.

Năm ngày sau phẫu thuật, bàn tay đứt rời đã thực sự được “hồi sinh” trên cổ tay tưởng như tàn phế của chị T., bàn tay đã bắt đầu có cảm giác. Hiện tại, 15 ngày sau phẫu thuật, tay của chị T. đã hồng ấm trở lại và có thể tập vận động. Chị T. vẫn đang được tiếp tục theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại khoa. Trong thời gian tới chị T. còn phải trải qua quá trình luyện tập phục hồi chức năng để có thể vận động lại được gần như xưa.

Bác sỹ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau phẫu thuật

Vi phẫu thuật nối ghép mạch máu, thần kinh, chi thể đứt rời được đánh giá là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ chuyên sâu, đôi tay thật khéo léo và sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa. Bên cạnh đó, bác sĩ phẫu thuật còn phải am hiểu về quá trình đông máu, huyết động học, cấu trúc mạch máu,… để tránh các biến chứng có thể xảy đến trong quá trình phẫu thuật.

Bác sĩ Quyết cho biết: “Việc khâu nối lại mạch máu, các dây thần kinh cho bệnh nhân là thao tác khó, ngoài yêu cầu sự khéo léo, tập trung cao độ, ca mổ cũng cần rút ngắn thời gian để tái cấp máu cho bàn tay đứt rời sớm nhất có thể”.

Bác sĩ Quyết khuyến cáo: “Khi gặp tai nạn gây đứt lìa chi thể, cần sơ cứu cầm máu ngay tại chỗ, đưa bệnh nhân và phần chi bị đứt đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu; sau đó nhanh chóng tiến hành vận chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện chuyên khoa để nối chi”. Theo bác sĩ Quyết, thời gian vàng để “cứu sống” phần chi thể bị đứt lìa cho bệnh nhân là trước 6 giờ đồng hồ, nếu để lâu hơn các mô bắt đầu chết, khi đó việc nối liền khó thành công.

Với các trang thiết bị y tế chuyên dụng cùng đội ngũ y bác sĩ được đào tạo bài bản, chuyên môn tốt, cho phép khâu nối chính xác các mạch máu nhỏ và các bó sợi thần kinh; hàng năm, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị tai nạn gây vết thương đứt lìa chi thể với tỉ lệ nối lại thành công rất cao.

Các tổn thương đứt rời bộ phận cơ thể do tai nạn thường gặp ở các nước đang phát triển như ở Việt Nam; vì thế, mỗi người cần nâng cao ý thức an toàn lao động để tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

BỆNH VIỆN CHẤN THƯƠNG CHỈNH HÌNH NGHỆ AN: Bệnh viện chuyên khoa hạng II tuyến Tỉnh về Chấn thương chỉnh hình – Bỏng- Thần kinh sọ não cột sống – Phục hồi chức năng – Tạo hình thẩm mỹ

Địa chỉ: 138 Nguyễn Phong Sắc, Phường Hưng Dũng, TP. Vinh (Bệnh viện Ba Lan cũ)

Hotline: 08 1664 5656

Website: bvctchna.vn


Đậu Huyền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến