Dòng sự kiện:
Hơn 10 công ty chứng khoán mất khả năng thu hồi vốn khi FTM sập sàn
19/09/2019 05:46:09
Với chuỗi giảm giá liên tiếp đã qua, FTM từ mức giá 24.200 đồng/cp nay vào ngày 14/8 xuống còn khoảng 4.500 đồng/CP, đây là mức giá thấp nhất kể từ khi cổ phiếu này chào sàn HOSE ngày 6/2/2017.

Theo báo Đầu tư Chứng khoán, có hơn 10 công ty chứng khoán đã bị mất khả năng thu hồi vốn cho vay kỹ quỹ sau khi cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và phát triển Đức Quân bị mất thanh khoản.

Vốn hóa thị trường của FTM giảm tương ứng 81% sau 23 phiên giảm sàn liên tiếp. Các công ty chứng khoán có dư nơ cho vay cầm cố cổ phiếu FTM đã không thể bán giải chấp thu hồi vốn dẫn đến thiệt hại ước tính lên đến gần 200 tỷ đồng, trong đó có công ty mất vốn đến 80 tỷ đồng.

Đầu tuần, các công ty chứng khoán đã nhóm họp để đánh giá thiệt hại và ghi nhận những bất thường của nhà đầu tư có tài khoản cầm cố FTM ở các công ty chứng khoán để báo cáo cơ quan quản lý. Vụ việc này có dấu hiệu làm giá cổ phiếu để rút tiền của công ty chứng khoán thông qua vay cầm cố cổ phiếu.

Lý do, theo các thông tin chưa chính thức trên thị trường, các cổ đông FTM có tài khoản cầm cố FTM đều có liên quan với một cổ đông từng là cổ đông nội bộ của Công ty FTM. Và cổ phiếu FTM bất ngờ được đẩy giá tăng cao, tạo thanh khoản trong giai đoạn từ tháng 2-6/2019 đạt đỉnh cao nhất từ niêm yết là 25.200 đồng/cổ phiếu, trước khi bắt đầu đổ đèo giảm sàn liên tiếp. 

FTM niêm yết trên HOSE vào ngày 6/2/2017 với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên 16.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó giá FTM không có quá nhiều biến động tính đến cuối tháng 11/2018. 

Về tình hình kinh doanh, FTM ghi nhận mức lỗ 31 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm. Công ty cho biết kết quả nói trên do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc căng thẳng trong thời gian qua. Cụ thể, trong số 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ có thể sẽ bị áp thuế có tới 25% mặt hàng vải. Do đó, thị trường Trung Quốc trở nên thận trọng, kìm hãm sản xuất vải. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành sợi Việt Nam.

Trên thực tế, 70% lượng sợi của Việt Nam được xuất sang Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp ngành sợi có lượng hàng tồn kho ở mức cao. Trong khi đó, giá xuất khẩu bị ép giảm mạnh do Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Trước tình hình thị trường khó khăn, FTM cũng như các doanh nghiệp ngành sợi đang đối diện với tình trạng “thắt lưng buộc bụng” trong bối cảnh tình hình kinh doanh không mấy khả quan.

Dẫu vậy, FTM cho rằng còn sớm để đưa ra dự báo về ngành sợi tại thời điểm này, công ty và các doanh nghiệp trong ngành vẫn kỳ vọng một tương lai sáng hơn sau khi vượt qua đáy khủng hoảng.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến