Phiên giao dịch ngày 16/3 kết thúc với sự bùng nổ về thanh khoản của cổ phiếu LPB (LienVietPostBank) với hơn 56,67 triệu cổ phiếu được khớp lệnh giao dịch, tổng giá trị đạt gần 1.269 tỷ đồng.
Đây là phiên có tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch lớn nhất của LPB trong năm nay. So với phiên 15/3 liền trước, khối lượng cổ phiếu LPB giao dịch trong ngày 16/3 đã tăng tới gần 17 lần.
Đáng chú ý, trong hơn 56,67 triệu cổ phiếu LPB được giao dịch hôm nay, có tới gần 47 triệu cổ phiếu được thực hiện thông qua giao dịch thỏa thuận, với giá trị gần 1.052 tỷ đồng. Điều này tương đương giá trao tay bình quân cổ phần này là 22.400 đồng, cao hơn 1,1% so với giá đóng cửa trên sàn của LPB hôm nay (22.150 đồng/cổ phiếu).
Số cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận này cũng tương đương với 3,8% vốn điều lệ ngân hàng.
Hiện chưa rõ các bên tham gia giao dịch khối lượng cổ phiếu LPB hơn nghìn tỷ kể trên, tuy nhiên, đây là lượng cổ phiếu được bán sang tay lớn nhất kể từ khi LienVietPostBank niêm yết tháng 10/2017.
Trước đó, khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất mà cổ phiếu LPB ghi nhận được trong một phiên là 35,64 triệu cổ phiếu ghi nhận hồi đầu tháng 6/2020, với giá trị tương đương hơn 260 tỷ đồng khi đó.
Ngoài sự bùng nổ về thanh khoản nhờ giao dịch thỏa thuận nói trên, lượng cổ phiếu LPB khớp lệnh trên sàn hôm nay cũng tăng mạnh so với ngày 15/3, đạt trên 9,7 triệu đơn vị, tăng gần 3 lần. Đây đồng thời là phiên thanh khoản khớp lệnh lớn nhất của LPB từ đầu tháng 3.
Liên quan đến giao dịch cổ phiếu LienVietPostBank, trong tháng 2 trước đó, cổ đông lớn VNPost cũng đã chào bán gần 122,2 triệu cổ phiếu LPB theo phương thức bán đấu giá, kỳ vọng thu về hơn 3.500 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu này tương đương 10,15% vốn ngân hàng và là toàn bộ số cổ phần mà tổng công ty đang sở hữu.
Tuy nhiên, số cổ phiếu LPB chào bán này đã rơi vào trạng thái ế ẩm khi kết thúc thời gian đặt mua, chỉ có 7 nhà đầu tư trong nước đăng ký mua 800 cổ phiếu LPB do VNPost đấu giá.
Không riêng VNPost muốn thoái vốn khỏi LienVietPostBank, từ cuối năm 2021 đến nay, các cá nhân và pháp nhân có liên quan ông Nguyễn Đức Thụy (tức bầu Thụy) cũng đã bán ra hàng chục triệu cổ phiếu LPB.
Mới nhất, ông Nguyễn Xuân Thủy (em trai bầu Thụy) đã bán ra 1,81 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 0,15% vốn ngân hàng trong phiên 4/3, ước tính thu về trên 40 tỷ đồng.
Cuối năm 2021 trước đó, Thaiholdings (công ty của bầu Thụy) cũng đã bán ra gần 22,4 triệu cổ phiếu LPB, tương đương gần 100% lượng cổ phiếu tổ chức này nắm giữ tại LienVietPostBank. Giá trị giao dịch ước tính đạt trên 500 tỷ đồng.
Hiện tại, trong nhóm cổ đông này chỉ còn cá nhân ông Thụy đang sở hữu trực tiếp 32,24 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 2,68% vốn ngân hàng. Tuy vậy, ông Thụy vẫn đang là phó chủ tịch HĐQT tại nhà băng này.
Tác giả: Quang Thắng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy