Cụ thể, Hiệp hội các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam vừa có văn bản kiến nghị gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban kinh tế Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Các bộ ngành liên quan, kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ nhà thầu thi công, nhà đầu tư thực hiện cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017-2020.
Nhà thầu “càng làm càng lỗ”
Theo các nhà thầu, ngay sau khi khởi công các dự án thành phần, nhà thầu phải đối mặt với tình trạng nhiều loại vật liệu chính biến động tăng đột biến như thép, đất đắp các loại, cốt liệu đá cho bê tông xi măng, bê tông nhựa... cát vàng sản xuất bê tông xi măng.
Đứng trước biến động quá lớn về giá cả các loại vật liệu chính, từ quý III/2022, nhà thầu đã có rất nhiều văn bản báo cáo cơ quan chức năng báo cáo thực trạng biến động giá các loại vật liệu chính và đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Kể từ đó đến nay, các chủng loại vật tư, vật liệu chính bao gồm: đất, đá các loại, đá cấp phối đá dăm, đá cốt liệu bê tông xi măng, xi măng, thép, đá cốt liệu bê tông nhựa tiếp tục leo thang lên mặt bằng giá mới.
Dẫn chứng cụ thể, Hiệp hội các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam cho biết, từ cuối tháng 2/2022 xảy ra xung đột quân sự Nga - Ukraine, giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng cao kéo theo giá nhiên liệu diesel và các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ (nhựa đường, nhựa thấm bám…) tăng phi mã.
Đây là nhiên, vật liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn ảnh hưởng tới giá tất cả các loại vật tư, vật liệu khác khi cước vận chuyển tăng từ 70 - 150% kể từ cuối năm 2021. Đặc thù của ngành xây dựng công trình giao thông chủ yếu thi công cơ giới nên chi phí máy thi công ngày càng tăng.
Đoạn Mai Sơn - QL45 do Liên danh Vinaconex - Trung Nam E&C là đơn vị thi công.
Hiện, một số chủng loại vật tư, vật liệu chính như: giá đất đắp tăng khoảng 30 - 50%, cá biệt có gói thầu tăng 154%; cát vàng tăng khoảng 15 - 40%, cá biệt có gói thầu tăng 187%; giá nhựa đường tăng khoảng 35 - 50%; giá sản xuất bê tông nhựa tăng khoảng 20 - 55%; giá cấp phối đá dăm loại 1 tăng khoảng 30 - 45%, đặc biệt có gói thầu tăng 129%; giá nhiên liệu dầu diesel tăng phi mã 138 - 163%; giá thép tăng 40 - 50%, một số thời điểm tăng đến 70%; giá xi măng tăng khoảng 20 - 35%, cá biệt có gói thầu tăng 47%.
Các nhà thầu cung cấp dịch vụ vận chuyển đang thông báo sẽ tiếp tục tăng giá cước vận tải lên 30 - 40%. Ngoài ra, hiện, trong công thức điều chỉnh giá hợp đồng chỉ điều chỉnh cho 7 yếu tố chính: nhân công, máy thi công, nhựa đường, thép, đá các loại, cát, xi măng. Vật liệu đất đắp được coi là cố định, không điều chỉnh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Trong khi đó, với khối lượng đất đắp rất lớn, giá trị vật liệu đất đắp chiếm tỷ trọng lớn trong giá hợp đồng từ 15 - 25%. Cộng các biến động một số vật tư, vật liệu chính nêu trên (chưa tính biến động máy thi công, nhân công) tăng khoảng 20 - 30% so với giá trị hợp đồng trừ dự phòng. Với biến động quá lớn, đơn giá thanh toán cho khối lượng hoàn chỉnh theo hợp đồng không đủ để mua vật tư, vật liệu.
Chỉ số giá địa phương không theo kịp thực tiễn
Cũng theo Hiệp hội các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam, theo hợp đồng ký kết, hầu hết các gói thầu thuộc dự án đang triển khai đều áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh theo phương pháp hệ số giá điều chỉnh; sử dụng chỉ số giá do địa phương nơi dự án đi qua công bố.
Thế nhưng, hầu hết các địa phương nơi dự án đi qua (Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai…) thời gian gần đây chưa có dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc nào. Công bố giá vật liệu và chỉ số giá do địa phương ban hành chỉ phù hợp cho các công trình cấp thấp hơn có quy mô nhỏ.
Nếu tính theo nguồn chỉ số giá các địa phương, đối với các gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần đầu tư công cao tốc Bắc - Nam, hệ số bù giá bình quân các gói thầu kể từ thời điểm khởi công đến quý II/2022 khoảng 1,0018 - 1,08 (tương ứng tăng từ 1,8 - 8% bao gồm toàn bộ 7 yếu tố điều chỉnh theo công thức điều chỉnh giá của hợp đồng).
Đối với các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư), chỉ số trượt giá được tính toán trong tổng mức đầu tư khoảng 3,05%. Trong khi đó, chỉ tính riêng biến động của một số chủng loại vật liệu chính (chưa tính chi phí biến động máy thi công, nhân công) đã tăng khoảng 20 - 30%.
Sự bất cập này được xác nhận bằng văn bản của một số địa phương như Bình Thuận, Đồng Nai. Trong đó, xác định công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam không có trong danh mục chỉ số giá của địa phương và đề nghị chủ đầu tư căn cứ theo quy định của Nghị định 10/2021 ngày 9/2/2021 của Chính phủ hướng dẫn quản lý chi phí đầu tư xây dựng để thực hiện.
“Trên cơ sở kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải, văn bản phản hồi số 2230/VB-CKTXD ngày 22/6/2022 của Cục Kinh tế - Xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng chưa đưa ra giải pháp cụ thể nào tháo gỡ các khó khăn, tồn tại về điều chỉnh giá hợp đồng”, văn bản kiến nghị nêu rõ.
Kiến nghị xây dựng giá tại chân công trình và chỉ số giá riêng cho các gói thầu
Đối với các gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình thức đầu tư công, xác định thời gian hoàn thành dự án theo hợp đồng không còn nhiều, Hiệp hội các nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng quy định theo điều 27 Nghị định 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải thuê tư vấn căn cứ thực tế biến động giá vật liệu chủ yếu (theo 5 nhóm chỉ số biến động vật liệu trong công thức điều chỉnh giá: nhựa đường, sắt thép xây dựng, cát các loại, xi măng) trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng xây dựng giá tại chân công trình và chỉ số giá riêng cho các gói thầu làm cơ sở tính toán điều chỉnh giá cho nhà thầu; bổ sung vật liệu đất đắp nền đường vào công thức điều chỉnh giá hợp đồng.
Đồng thời, áp dụng các quy định liên quan tại Bộ Luật Dân sự 2015 về việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi và các hậu quả của bất khả kháng của hợp đồng xây dựng cho phép nhà thầu lập tiến độ cho khối lượng còn lại trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chấp thuận.
“Đối với các dự án thành phần thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), cho phép được điều chỉnh giá hợp đồng khi chỉ số trượt giá vật liệu, nhiên liệu trong thời gian xây dựng dự án vượt quá chỉ số trượt giá đã tính toán trong tổng mức đầu tư của dự án và điều chỉnh Tổng mức đầu tư dự án trong trường hợp chi phí trượt giá làm vượt tổng mức đầu tư”, Hiệp hội các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam kiến nghị.
Hiệp hội nhà thầu cũng đề xuất đối với các mỏ đất đắp sau khi được Cấp có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác, đề nghị xem xét ban hành cơ chế đặc thù trong việc thực hiện các thủ tục thu hồi đất, bồi thường GPMB, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… nhằm rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục thuê đất và giao đất để sớm đưa vào khai thác.
Tác giả: Nhật Lệ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy