Hơn 6 triệu GPLX bằng vật liệu PET đã được cấp
14/01/2015 14:52:01
ANTT.VN – Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong năm 2014, thực hiện chương trình chuyển đổi GPLX bằng vật liệu PET, đến nay, toàn quốc đã cấp, hơn 6 triệu giấy phép lái xe, đạt 67% kế hoạch đề ra.

Tin liên quan

Cụ thể, Theo Tổng cục Đường bộ, về việc quản lý phương tiện, người lái trong năm 2014 tiếp tục được tăng cường, Tổng cục Đường bộ đã nghiên cứu, thí điểm triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với công tác đổi giấy phép lái xe tại Tổng cục (thực hiện từ tháng 12/2014); Phối hợp với Công ty Elcom sản xuất lắp đặt thiết bị sát hạch lái xe trên đường lên xe ô tô sát hạch và thiết bị sát hạch lái xe mô tô hạng A2; xây dựng, sửa đổi phần mềm sát hạch cấp GPLX hạng A2...

Đến thời điểm hiện tại hơn 6 triệu GPLX đã được cấp, đổi (Ảnh minh họa/nguồn internet)

Đặc biệt, thực hiện chương trình chuyển đổi GPLX bằng vật liệu PET, Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo các Sở GTVT khẩn trương tổ chức triển khai. Đến nay, toàn quốc đã cấp, đổi hơn 6 triệu GPLX. Cùng với đó, trong  năm 2014, các cơ quan liên quan đã phối hợp phát hiện gần 3.500 GPLX bằng vật liệu giấy giả; tổ chức và tham gia các đoàn thanh, kiểm tra của Thanh tra Bộ GTVT về công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe tại 5 tỉnh, thành phố; tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận trung tâm Sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động cho 3 trung tâm tại Bắc Ninh, Gia Lai và Vĩnh Long. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ đối với 2.810 giáo viên dạy lái xe ô tô và sát hạch viên trên toàn quốc .

Về công tác quản lý tải trọng xe, Tổng cục đã thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Bộ trưởng; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT, Bộ Công an, các địa phương đồng loạt triển khai công tác kiểm soát tải trọng trên toàn quốc. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra hoạt động của các trạm; kịp thời giải đáp, xử lý những vướng mắc trong chỉ đạo, điều hành kiểm soát trọng tải xe.

Cụ thể, thành lập 9 đoàn thanh, kiểm tra công tác cơi nới thùng hàng tại các địa phương; tăng cường kiểm soát quá tải tại đầu nguồn kho, cảng, nhà máy lớn, các công trình xây dựng; chỉ đạo các Ban QLDA có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn xe chở vật liệu xây dựng quá tải trọng.

Tổng cục Đường Bộ cho biết đã xử phạt xe quá tải trọng 227 tỷ (Ảnh: duongbo.vn)

Chủ trì, phối hợp với Tổng cục VII (Bộ CA) và UBND của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền và ký cam kết không xếp hàng lên phương tiện vượt quá tải cho phép tham gia giao thông với trên 3.000 đơn vị đầu mối hàng hóa, kho hàng, các đơn vị sản xuất và cung ứng xi măng; các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng, các chủ mỏ.

Phối hợp với các cơ quan của Bộ GTVT tổ chức hội nghị “Sơ kết thực hiện công tác kiểm tra trọng tải xe theo Công điện 95/CĐ-TTg và 15 ngày triển khai kiểm soát trọng tải xe trên toàn quốc”.

Đồng thời, có các văn bản gửi UBND một số tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo triển khai công tác kiểm tra trọng tải xe  trên địa bàn; phối hợp với Sở GTVT Hải Dương tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về mô hình tổ chức, hoạt động kiểm soát trọng tải xe với đại diện của 20 tỉnh phía Bắc.

Đến ngày 31/12/2014, kiểm tra 412.223 lượt xe, phát hiện 59.401 xe vi phạm (14.4%); đã hạ tải 23.005 xe với hơn 120.000 tấn, xử phạt nộp Kho bạc 227 tỷ.

Tổng cục đang lập điều chỉnh Quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe; xây dựng, hoàn thiện phần mềm quản lý kiểm soát trọng tải xe, duy trì hoạt động hệ thống Trung tâm tích hợp kết quả kiểm tra, quản lý và giám sát các Trạm. Đối với công tác cấp phép, quản lý xe chở hàng siêu trường siêu trọng, đã công khai thủ tục hành chính cấp phép theo tiêu chuẩn ISO lên Website của Tổng cục; tập trung giải quyết cấp phép lưu hành cho các xe chở hàng siêu trường, siêu trọng, trong đó có phục vụ vận chuyển thiết bị nhà máy điện quốc gia.

Đã hoàn thành công tác xây dựng hướng dẫn tạm thời về đảm bảo ATGT trong quá trình quản lý, bảo trì đường cao tốc (Ảnh: kinhdoanh.net)

Về công tác xây dựng cơ bản, trong năm 2014 các mục tiêu đề ra đều hoàn thành, cụ thể như sau: Đã cơ bản hoàn thành 8 dự án nhằm kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gồm: Dự án bền vững hóa đường Hồ Chí Minh; Dự án cải tạo nâng cấp QL.279 đoạn Tân Sơn – Than Muội – Đồng Mỏ - Tu Bồn; Dự án cải tạo nâng cấp QL.279 đoạn Bắc Kạn – Tuyên Quang; Dự án cải tạo nâng cấp QL.20 đoạn Trại Mát – Lâm Đồng; Dự án cải tạo nâng cấp QL.27 đoạn Lâm Đồng – Ninh Thuận (trừ gói thầu số 11 do vướng GPMB); hoàn thành xây dựng 68/71 cầu vốn vay JICA; 04 cầu còn lại thuộc dự án 41 cầu giao thông nông thôn; 02 gói thầu đã được bố trí vốn của dự án QL.4.

Khởi công các dự án: Dự án QL.91 đoạn Km7-Km14 (WB5); Dự án kiên cố hóa sạt lở QL.91 đoạn qua địa phận tỉnh An Giang; Dự án cải tạo nâng cấp QL.61 đoạn Cái Tư – Gò Quao; Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP). Đặc biệt là Dự án xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo ATGT trên 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Trong bối cảnh thời gian chuẩn bị hết sức cấp bách, nguồn vốn bố trí cho dự án gặp rất nhiều khó khăn, dự án trải dài trên nhiều tỉnh, điều kiện đi lại hết sức khó khăn nhưng đến nay đã đồng bộ triển khai 90/187 cầu, trong đó 10 cầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả và kịp thời phục vụ nhu cầu dân sinh, kinh tế các khu vực miền núi.

Tổng Cục Đường bộ cho biết, kết quả giải ngân hiện nay, Tổng cục được giao làm chủ đầu tư 40 dự án. Tổng số vốn kế hoạch năm 2014 được giao : 3.751 tỷ đồng, trong đó, vốn nước ngoài: 437 tỷ đồng; vốn trong nước: 3.314 tỷ đồng.

Đến 31/12/2014, đã thực hiện: 3.796 tỷ đồng, đạt 101.2%; giải ngân: 3.714 tỷ đồng, đạt 99%.

Về công tác quản lý đường cao tốc,  Tổng cục đã tích cực trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án về quản lý đường cao tốc, gồm các dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định về quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc và các Thông tư khác về lĩnh vực đường cao tốc; xây dựng Đề án điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc.

Triển khai các dự án về mạng lưới đường cao tốc: Dự án xây dựng Trung tâm điều hành ITS khu vực phía Bắc; Dự án HTKT “Xây dựng năng lực và hỗ trợ chính sách cho việc quy hoạch và quản lý mạng lưới đường bộ cao tốc”, “Nâng cao năng lực quản lý đầu tư và khai thác mạng lưới đường cao tốc tại Việt Nam”... Đã hoàn thành công tác xây dựng hướng dẫn tạm thời về đảm bảo ATGT trong quá trình quản lý, bảo trì đường cao tốc; xây dựng “Quy định tạm thời về lắp đặt hệ thống biển báo hiệu trên đường cao tốc” báo cáo Bộ GTVT.

Bên cạnh đó, Tổng cục đã tổ chức có hiệu quả công tác quản lý, khai thác, bảo trì, đảm bảo ATGT các tuyến cao tốc được giao, gồm: TP. Hồ Chí Minh-Trung Lương, Hà Nội-Thái Nguyên (QL3 mới); tích cực kiểm tra, tuyên truyền bảo đảm ATGT, tổ chức tập huấn sơ cấp cứu trên đường cao tốc. Thực hiện chương trình hợp tác với Hàn Quốc trong thực hiện nhiệm vụ về lĩnh vực đường cao tốc, Tổng cục đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Tổng Công ty đường cao tốc Hàn Quốc (KEC), tiếp nhận chuyên gia để xây dựng kế hoạch hợp tác (từ tháng 10/2014); phối hợp với chuyên gia Hàn Quốc trong việc thực hiện các nội dung về giao thông thông minh.

Thiên Di

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến