Dòng sự kiện:
Hơn 9 giờ đưa 3 ngón tay đứt lìa vào bệnh viện để khâu nối nhưng không thành
20/04/2018 11:13:00
Thông tin từ BV SAIGON-ITO Phú Nhuận, TPHCM cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và xử trí cho bệnh nhân H (SN 1974, quê Đồng Tháp) bị tai nạn lao động đứt lìa 3 ngón tay.

Các ngón tay đứt lìa của nạn nhân đã bị hoại tử.

Ngày 19/4, Bệnh nhân H. vượt chặng đường hơn 9 giờ từ tỉnh Đồng Tháp đến BV SAIGON-ITO Phú Nhuận cấp cứu trong tình trạng bàn tay phải bị dập nát, đứt lìa hoàn toàn ngón 2, 3, 4.

Các bác sĩ bệnh viện này cho biết, mặc dù bệnh nhân và gia đình ý thức được việc bảo quản lạnh chi bị đứt lìa để mang theo đến bệnh viện, nhưng do làm chưa đúng cách (để trực tiếp chi đứt lìa vào thùng nước đá mà không bao bọc lại) và thời gian di chuyển quá lâu nên các mô tế bào đã bị hoại tử, không thể khâu nối…

Qua trường hợp anh H., các bác sĩ cho hay, nếu không may chi đứt lìa, việc phẫu thuật nối chi thành công phụ thuộc vào cách bảo quản ban đầu đối với phần chi đứt lìa. Nếu khâu này thực hiện không đúng, việc khâu nối sẽ thất bại.

Do phần cơ thể bị đứt lìa sẽ không được tưới máu, các mô thiếu oxy và dưỡng chất; trong khi đó, quá trình chuyển hóa ở tế bào lại tạo ra CO2 và các chất độc hại sẽ dần phá hủy các mô tế bào (hoại tử), làm các mô chết dần trong khoảng 2-3 giờ sau đó.

Vì vậy, cần bảo quản đúng cách mới có thể tăng thời gian sống của chi lên 1-1,5 lần với điều kiện môi trường bảo quản đạt từ 2- 8 độ C và khâu nối không được quá 6 giờ sau đó.

“Nếu một phần cơ thể bị đứt rời ra khỏi cơ thể sẽ khiến nạn nhân hoảng loạn, do đó khi gặp trường hợp này phải bình tĩnh và nhanh chóng sơ cứu cho người bị nạn ngay lập tức để đảm bảo sự an toàn cho người bị nạn. Đồng thời, biết cách bảo quản phần cơ thể bị đứt lìa cho nạn nhân để có cơ hội khâu nối phần chi đã bị đứt lìa” một bác sĩ tại TP HCM khuyến cáo.

Theo Lao động

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến