Hong Kong “xuất khẩu” người già sang Trung Quốc
10/06/2014 13:50:40
Những người trên 65 tuổi sống tại Hong Kong sẽ có lựa chọn đi qua biên giới để sang Trung Quốc sinh sống nốt quãng đời còn lại, nơi họ được sống trong nhà điều dưỡng thay vì phải mòn mỏi đợi đến lượt cấp nhà tại quê hương.

Những người trên 65 tuổi sống tại Hong Kong sẽ có lựa chọn đi qua biên giới để sang Trung Quốc sinh sống nốt quãng đời còn lại, nơi họ được sống trong nhà điều dưỡng thay vì phải mòn mỏi đợi đến lượt cấp nhà tại quê hương.

 

Người già tại Hong Kong có thể đi sang Trung Quốc để được ở trong nhà điều dưỡng. Ảnh: Liu Sha

 

Hong Kong đưa những người cao tuổi đang sinh sống tại đây qua biên giới để vào Trung Quốc - một biện pháp nhằm giải quyết chi phí xã hội gia tăng bởi lượng dân số già và tình trạng ngày càng thiếu đất sinh hoạt.

 

Không chỉ Hong Kong (đặc khu hành chính thuộc Trung Quốc) các quốc gia khác tại châu Á, từ Nhật Bản cho tới Singapore, Hàn Quốc đều phải đối mặt với cảnh dân số ngày một già đi. Theo Financial Times, giải pháp được Hong Kong áp dụng có liên quan tới mối quan hệ còn bất đồng giữa người dân ở đây với phía Trung Quốc.

 

Những năm gần đây, các nhà hoạt động tại Hong Kong đã chỉ trích những người Trung Quốc chuyển sang đặc khu để sinh con, đồng thời giận dữ với cả những khách du lịch đến từ đại lục dù họ đã đổ rất nhiều tiền vào đây thông qua các chuyến đi. Điều này khiến các nhà làm luật địa phương phải xem xét lại đạo luật chống phân biệt đối xử, khép tội đối với hành vi gọi người Trung Quốc là "châu chấu".

 

Nhưng nay chính quyền Hong Kong, dưới sức ép phải cung cấp chỗ ở cho gần 30.000 người già trong danh sách hưởng trợ cấp cư trú, đang nhòm ngó vào vùng Quảng Đông ngay cạnh để tìm kiếm không gian sống như một phần biện pháp giải quyết nhân khẩu.

 

Trung bình để được cấp nhà ở, một người phải đợi từ 20 đến 30 tháng nên đã có hàng nghìn người già không kịp đợi đến lúc ấy. Những người trên 65 tuổi ước tính chiếm hơn một phần ba dân số Hong Kong vào năm 2050. Đây cũng là lãnh thổ có tỷ lệ người nghèo cao tuổi lớn nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển.

 

Ng Ping Yiu là người đã chọn ở trong ngôi nhà phía biên giới trước khi chính sách trên được đưa ra. Nay người đàn ông 71 tuổi lại giới thiệu với bạn bè mình về nơi ở cũng như tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ, thu xếp nhà ở cho những người vô gia cư, tật nguyền hoặc kém may mắn. "Ở đây có núi, cỏ hoa. So với Hong Kong thì kém tiện nghi hơn nhưng tôi thấy chẳng có khác biệt mấy", ông Ping Yiu nói.

 

Tình hình ở Hong Kong ngày càng trầm trọng hơn khi thiếu đất đã kéo giá bất động sản đi lên và trở thành một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới. Trường hợp phải trở về Trung Quốc sinh sống vì thiếu nhà điều dưỡng như ông Yiu không phải hiếm.

 

Sắp xếp lại căn nhà tại khu vực Kowloon (ngoại ô Hong Kong) trong khi vợ đang ngủ, cụ ông Ng Shui Wing muốn có thêm khoảng không trong căn nhà một gian khép kín cái bếp và phòng tắm, nơi vợ chồng ông khó xếp đủ chỗ cho các vật dụng.

 

Wing đã đợi nơi ở mới trong nhà điều dưỡng từ 4 năm nay nhưng ông cho biết không có ý muốn sang Quảng Đông. "Tôi từng này tuổi rồi thì còn đi đâu và liệu được bao xa nữa?", ông phân trần. Ông cũng lo lắng nếu bị tách khỏi vợ mình. "Tôi chăm nom vợ, cho bà ấy ăn. Khi tôi ở nhà thì có thể lo cho bà ấy tốt hơn", ông chia sẻ. Vợ của Wing từng bị một cơn đột quỵ.

 

Hong Kong cần có thêm các biện pháp khuyến khích những người như Wing, kể cả việc đảm bảo với họ về chăm sóc y tế. Trong quá khứ, những người nghỉ hưu tại Trung Quốc thường rời đến sống tại Hong Kong để hưởng chăm sóc sức khỏe, y tế bởi họ không thể tự chi trả cho các khoản này khi ở đại lục.

 

Ủy ban người cao tuổi, đơn vị khuyên giới chức ở đặc khu và là chủ nhân của ý tưởng chính sách nhà biên giới đã vận động chính quyền Hong Kong có nhiều hành động hơn và xây dựng cơ sở hạ tầng cho người cao tuổi khi đất đai đang bị bán cho các nhà phát triển tư nhân.

 

Alfred Chan, người đứng đầu ủy ban nói: "Chính quyền đã đảm bảo những kế hoạch dành cho các dịch vụ dành cho mọi người sẽ được giữ nguyên. Giám đốc quản lý dịch vụ người cao tuổi của công ty Housing Society, một tổ chức phi chính phủ của Hong Kong nhận xét: "Chăm sóc người già là một nét văn hóa. Chúng tôi không muốn họ phải sống trong những cơ sở từ thiện". Thực tế, người có tuổi thường muốn sinh sống gần nhà hoặc gia đình mình.

 

Trong lúc này, danh sách người đợi được cấp nhà điều dưỡng vẫn dài thêm và viễn cảnh vẫn chưa có gì sáng sủa. "Chúng tôi không ép người già đi Quảng Đông hay phải sang Trung Quốc để sống nốt quãng đời còn lại. Kế hoạch này chỉ nhằm mở thêm một lựa chọn cho vấn đề nhà ở tại Hong Kong hiện nay. Nếu họ đứng từ thứ 50 trong danh sách đợi trở đi và chọn cách đi tới đại lục, họ có thể được cấp nhà nhanh hơn", Ng Hang-sau, CEO của tổ chức Tái định cư Hong Kong khẳng định.

 

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến