Doanh nghiệp kêu bị thu hồi dự án oan
Ngày 12/7, tại buổi làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVIII, với vai trò là tổ chức đại diện cho tiếng nói, quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Bất động sản Đông Á, cho biết, thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tiếp nhận rất nhiều phản ánh, kiến nghị từ phía doanh nghiệp, liên quan đến những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có một số dự án chậm tiến độ, tuy nhiên nguyên nhân được xác định không phải lỗi của nhà đầu tư mà là do công tác GPMB của nhà nước. Khi xảy ra tình trạng trì trệ trên, chậm giao mặt bằng sạch khiến cho nhiều nhà đầu tư bị thu hồi oan, gây thiệt hại về kinh tế và uy tín cho nhà đầu tư”, ông Đoan phát biểu.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa
Phản hồi ý kiến của ông Cao Tiến Đoan, ông Mai Nhữ Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thực tế có những dự án gặp khó khăn trong GPMB, nhưng dự án do GPMB chậm mà thu hồi thì không có,
“Chưa có dự án nào bị thu hồi oan, các dự án trước khi thu hồi, chúng ta đã thực hiện các quy trình thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, đủ các hồ sơ, điều kiện thì mới tham mưu thu hồi được. Nếu có dự án nào đó bị thu hồi do liên quan đến chậm GPMB tôi chưa nắm hết thì đề nghị anh Đoan cung cấp lại thông tin, chúng tôi sẽ tiếp thu và báo cáo giải trình”, ông Thắng phát biểu.
Trong phiên làm việc chiều cùng ngày, vấn đề thu hồi dự án chậm tiến độ tiếp tục được tranh luận.
Chưa thỏa mãn với câu trả lời của ông Mai Nhữ Thắng, đại biểu Cao Tiến Đoan tiếp tục chất vấn Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang: “Việc thu hồi dự án chậm tiến độ nhưng do lỗi của Hội đồng GPMB chứ không phải do lỗi của doanh nghiệp thì có oan không? Nếu cứ thu hồi thì có xử lý cán bộ nhà nước tham gia GPMB không?”.
Trả lời câu hỏi của ông Đoan, ông Lê Đức Giang dẫn phát biểu của ông Mai Nhữ Thắng và cho rằng, đến nay chưa có dự án nào thuộc diện Nhà nước thu hồi đất mà chậm GPMB đến mức phải thu hồi. Theo ông Giang, nếu dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất thì UBND tỉnh có trách nhiệm, chỉ đạo rất nghiêm, cam kết xử lý, kể cả cưỡng chế còn nếu là dự án doanh nghiệp thỏa thuận đền bù với dân thì doanh nghiệp có trách nhiệm, chính quyền tỉnh cũng sẽ có chỉ đạo hỗ trợ.
Đề xuất cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp
Ngoài vấn đề thu hồi dự án, đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp, đại biểu Cao Tiến Đoan còn nêu ý kiến về phản ánh của một số nhà đầu tư. Theo ông, khi doanh nghiệp được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, doanh nghiệp đã chấp thuận theo đúng quy định, tuy nhiên khi có đoàn thanh tra, kiểm tra lại đưa ra kết luận ý kiến lựa chọn chủ trương đầu tư không đúng quy trình, đề xuất thu hồi dự án vi phạm.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thanh Hóa
Việc này gây bức xúc nhiều cho nhà đầu tư, hoang mang trong cộng đồng doanh nghiệp, khiến cho các doanh nghiệp lúng túng không biết thực hiện theo quy trình nào là đúng, do đó ông đề nghị UBND tỉnh làm rõ trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân có liên quan khi tham mưu, để xảy ra những tình trạng nêu trên.
Về vấn đề này, ông Mai Nhữ Thắng trả lời ông Đoan rằng: “Khi thanh tra kiểm tra thì chúng ta phát hiện quy trình chưa đảm bảo, chúng tôi không dám nói là không đúng quy định, nhưng có lẽ là không đảm bảo ở khâu nào đó. Qua theo dõi, chúng tôi cho rằng, đến hiện nay, cơ bản các văn bản tham mưu chấp thuận đảm bảo các quy trình, quy định. Khi mà thanh tra, kiểm tra thì có một khâu nào nó có thể sơ suất trong quy trình hoặc do câu chữ, do nội dung nào đó, chúng tôi sẽ rà lại, tiếp thu nếu có thì chấn chỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh”.
Đồng ý với ý kiến của ông Mai Nhữ Thắng, ông Lê Đức Giang cũng cho biết, hàng năm UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư hàng trăm dự án nhưng chưa có dự án nào như phản ánh của ông Cao Tiến Đoan.
Theo ông Giang, doanh nghiệp khi thực hiện dự án phải thực hiện theo chủ trương đầu tư. Nếu có sai phạm về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương do thanh tra, kiểm tra kết luận thì xử lý người có liên quan. Vì vậy, ông Giang mong ông Đoan về nói với cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh là “không nên hoang mang gì cả”.
Tại kỳ họp, ông Cao Tiến Đoan cũng đề xuất, trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng cao, doanh nghiệp càng làm càng lỗ, trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp thời có cơ chế bù giá, ông đề nghị Nhà nước có cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thi công đúng tiến độ, đảm bảo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, vấn đề cải cách thủ tục hành chính cũng là vấn đề được đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nêu lên.
Ông Đoan cho rằng, cải cách thủ tục hành chính trong tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp như thủ tục đầu tư, giấy phép xây dựng. Ngoài ra còn tồn tại năng lực và thái độ của một số bộ phận cán bộ, công chức hạn chế gây bức xúc cho doanh nghiệp.
“Công tác cải cách thủ tục hành chính chưa đi vào thực tiễn nhiều, hiệu quả chưa cao, đây là một trong số các nguyên nhân yếu kém nên chỉ số hài lòng và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 bị giảm sâu so với năm trước”, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa phát biểu.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy