Hợp tác đẩy mạnh xử lý nợ xấu
22/02/2016 15:15:48
Trước đây, bên thi hành án đơn phương độc mã thì nay có VAMC, các TCTD có trách nhiệm rà soát cùng để tạo bước đột phá năm 2016.

Tin liên quan

Việc hợp tác chặt chẽ hơn giữa Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), TCTD và cơ quan thi hành án trong thời gian qua được xem là tín hiệu vui trong việc xử lý nợ xấu (XLNX) mà ông Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC đã thông tin với Thời báo Ngân hàng.

Tuy nhiên, thời gian tới, theo ông Hùng, cần hành lang pháp lý chặt chẽ với công tác thi hành án để hỗ trợ cho việc XLNX được hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng

Thưa ông, nợ xấu đã được VAMC xử lý thế nào trong thời gian qua, góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu xuống 2,72%?

Theo thống kê của chúng tôi, tính từ năm 2013 đến 31/12/2015, VAMC đã thực hiện mua được 24.512 khoản nợ tương ứng với 243.335 tỷ đồng dư nợ gốc, giá mua là 207.909 tỷ đồng của 41 TCTD.

Đối với vấn đề thu hồi nợ, trong năm 2015, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 17.763 tỷ đồng, bao gồm thu từ bán nợ/bán tài sản bảo đảm (TSBĐ)…. Lũy kế từ năm 2013 đến 31/12/2015, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 22.783 tỷ đồng (bao gồm thu từ bán nợ/ bán TSBĐ…). Trong đó, VAMC đã phối hợp với TCTD thực hiện bán nợ đạt 1.183 tỷ đồng, lũy kế từ 2013 bán nợ đạt 2.956 tỷ đồng.

Chúng tôi cũng phối hợp với các TCTD thực hiện bán TSBĐ, từ ngày 1/1/2015 đến 31/12/2015 bán TSBĐ thu hồi 4.180 tỷ đồng, lũy kế từ 2013 bán TSBĐ với tổng giá trị thu hồi đạt 4.670 tỉ đồng. Ủy quyền TCTD thu hồi nợ đến 31/12/2015 đạt 12.400 tỷ đồng, lũy kế từ 2013 đạt 15.157 tỷ đồng.

VAMC đã phối hợp với TCTD để thực hiện bán TSBĐ, vậy về phía DN (con nợ) có phối hợp không?

Đã có những DN khá thiện chí trong việc trả nợ. Ví dụ, như Nhà máy giấy Mỹ Hương vay vốn của SHB, không còn khả năng phục hồi và họ xác định càng để lâu tài sản thì càng giảm giá, mất giá trị. Do đó, sau khi thống nhất cùng với TCTD thì khách hàng đồng ý bàn giao tài sản cho VAMC và SHB tổ chức đấu giá với khoản nợ 290 tỷ đồng, dư nợ gốc gần 400 tỷ đồng.

Mỗi một lần thay đổi mức giá là 10%, tương ứng giảm từ 3-4 tỷ đồng và đến lần thứ 4 mới tổ chức đấu giá thành công và giá trị chỉ còn 290 tỷ đồng. Với trường hợp khách hàng hợp tác thì thời gian đấu giá, bán khoản nợ cũng phải mất khoảng 5 tháng.

Bên cạnh đó, trường hợp khách hàng tự nguyện bán TSBĐ để lấy tiền trả nợ thì rất nhiều. Hiện nay, trong tổng số 17.763 tỷ đồng từ thu hồi nợ thì có trên 10.000 tỷ đồng, khách hàng tự nguyện trả nợ, nghĩa là sau khi mà những khoản nợ xấu đã được TCTD bán cho VAMC thì họ tự nguyện trả nợ. Tôi cho đó là những bước tích cực. Bên cạnh đó, thì bên thi hành án cũng có chuyển động tích cực đã hỗ trợ trong thực thi bản án có hiệu lực trong những từ quý III/2015 nên kết quả thu hồi nợ tốt hơn.

Bản án đã tuyên, nếu không được thực thi nghiêm túc thì việc bàn giao tài sản để phát mại vẫn rất khó

Vậy bao nhiêu trong 18.886 tỷ đồng VAMC phải tiến hành bán, phát mại TSBĐ, thưa ông?

Trong tổng số 17.763 tỷ đồng thì VAMC bán, phát mại TSBĐ khoảng 4.000 tỷ đồng; còn với TCTD trong 10.000 tỷ đồng khách hàng tự nguyện trả nợ đó thì kể cả bán tài sản bảo đảm cũng có, nhưng VAMC ủy quyền cho TCTD bán nợ, tài sản bảo đảm thì khoảng 2.700 tỷ đồng. Như vậy, cũng có thể thấy là rất khó khăn trong việc thu hồi TSBĐ để bán nợ.

Cái khó của thu giữ tài sản là khi khách hàng không bàn giao TSBĐ thì chúng tôi khó có thể thực hiện đấu giá được. Kể cả có đấu giá được thì khi chuyển quyền sở hữu của tài sản đó mà khách hàng nợ không chịu ký cũng chưa biết xử lý thế nào. Cho nên chỉ khi nào khách hàng đồng ý bàn giao TSBĐ để đấu giá thì mới thuận.

Có vẻ như lĩnh vực thi hành án cũng đang trở thành “câu chuyện dài kỳ” gây khó khăn cho thu giữ tài sản?

Đúng vậy, hiện nay còn tồn đọng rất nhiều vụ thi hành án với khoảng vài chục nghìn tỷ đồng. Theo tôi, đây là con số tương đối lớn. Việc thực thi với các bản án đó không đơn giản, thậm chí cơ quan thi hành án đã phối hợp với chúng tôi chặt chẽ nhưng vẫn vướng mắc.

Chẳng hạn, bản án đã tuyên rồi, bản thân người dân thấy mà không tiến hành thực thi nghiêm túc thì việc bàn giao tài sản để phát mại vẫn rất khó.

Đối với trường hợp thu giữ tài sản bảo đảm để phát mại Nghị định 163 về giao dịch bảo đảm đã quy định rồi, thế nhưng khi VAMC cùng TCTD đến thu giữ thì khách hàng lại gây khó khăn thậm chí trích những điều khoản trong hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp tài sản để khởi kiện TCTD, cố tình kéo dài thời gian. Vì vậy khi khởi kiện đã tranh chấp, mà tranh chấp thì lại phải dừng lại bản án lại, chưa biết đến bao giờ mới giải quyết. Đây là vấn đề khó khăn không chỉ cho VAMC mà khó khăn cho cả TCTD.

Rõ ràng ở đây có lỗi ở việc hành lang pháp lý của chúng ta còn chưa chặt chẽ, thưa ông?

Thị trường mua bán nợ chưa có, hành lang pháp lý cũng chưa rõ ràng. Ngay cả những văn bản quy định pháp lý để gắn trách nhiệm của người vay chưa có, định giá giá trị khoản nợ chưa có tiêu thức cụ thể thì làm sao xử lý được. Nếu có hành lang pháp lý về định giá giá trị khoản nợ, có được thị trường mua bán nợ và thị trường mua bán nợ đã có thì phải có hành lang pháp lý cho nó hoạt động, khách hàng và người dân tổ chức thực hiện nghiêm túc theo quy định pháp luật thì VAMC mới xử lý nhanh nợ đã mua về.

Hành lang pháp lý phải thể hiện rõ ràng, không thể nào con nợ to hơn chủ nợ, mà pháp luật cần quy định rõ trách nhiệm của người vay và bảo vệ những đơn vị cho vay. Tổ chức và cá nhân mà vi phạm phải xử lý nghiêm theo pháp luật. Trách nhiệm người vay thì phải có trách nhiệm trả nợ. Cũng giống như người dân gửi tiết kiệm thì NH phải trả cả gốc và lãi nên người dân đi vay NH cũng phải trả gốc và lãi mới thực sự công bằng.

Vậy, VAMC đã có giải pháp nào để khi đưa khách hàng nợ ra tòa và tòa đã tuyên, bản án có hiệu lực thì phải thực thi?

Sau khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Thống đốc NHNN có ký thỏa thuận 2 bên trong công tác thi hành án thì các bộ phân cấp dưới của NH và tòa án đã thực thi tích cực hơn.

Ví dụ, Tổng cục thi hành án đã làm việc với VAMC và với các TCTD rà soát xem xét lại các bản án và chúng tôi đang làm. Khi rà soát các bản án đó, các cơ quan liên quan ngồi cùng nhau xem xét bản án khu vực này, bản án nào có điều kiện dễ thực hiện. Trước đây, bên thi hành án đơn phương độc mã thì nay có VAMC, các TCTD có trách nhiệm rà soát cùng để tạo bước đột phá năm 2016.

Tôi cho rằng đây cũng là bước đi sẽ triển khai đồng bộ trong năm 2016 để VAMC bán được tài sản, bán nợ tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến