Dòng sự kiện:
HoREA: 'Áp trần lãi vay sẽ khiến doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn'?
18/02/2019 19:45:54
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng quy định trần chi phí lãi vay không được vượt quá 20% theo Nghị định 20 là chưa hợp lý và khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn này.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính liên quan đến quy định về trần tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong văn bản Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, quy định trần lãi vay không được vượt quá 20% theo quy định tại Khoản 3, điều 8, Nghị định 20/2017 của Chính phủ là thấp và chưa hợp lý đối với điều kiện hoạt động của nền kinh tế và thị trường bất động sản nước ta trong giai đoạn hiện nay. HoREA kiến nghị Chính phủ xem xét quy định trần chi phí lãi vay không được vượt quá (khoảng) 25%.

Trước đó, Nghị định 20 ngày 24/2/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết có hiệu lực từ ngày 1/5/2017. Cụ thể, Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế".

HoREA lo ngại về áp trần lãi vay đối với doanh nghiệp BĐS

Nhận định từ phía HoREA, hiện các doanh nghiệp BĐS khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hơn trước. Các doanh nghiệp bất động sản đang dựa vào hai nguồn vốn chính là nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng. Vì vậy, doanh nghiệp bất động sản (BĐS) rất cần nguồn vốn tín dụng ngân hàng để thực hiện dự án cho đến khi đủ điều kiện huy động vốn từ khách hàng. Nhưng nếu phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính càng lớn thì độ rủi ro cho doanh nghiệp càng cao và có thể dẫn đến 'bong bóng' trên thị trường BĐS.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, Thông tư 16/2018/TT-NHNN và Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 08/01/2019.

Kể từ ngày 1/1/2019, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn; và dự báo Ngân hàng Nhà nước còn có thể giảm trần này xuống 35%, thậm chí 30% và cũng có thể nâng hệ số rủi ro trong các khoản nợ bất động sản lên đến 250% hoặc cao hơn (Hiện nay, hệ số rủi ro này là 200%).

Chủ tịch HoREA cũng cho rằng, quy định về áp trần tổng chi phí lãi vay không vượt quá 20% tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 đã có mâu thuẫn với Khoản 2 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Khoản 2 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định: “Điều kiện về năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư được quy định như sau: a) Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 héc ta; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 héc ta trở lên; b) Có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân khác”.

Trước đó, liên quan đến việc áp trần lãi vay theo Nghị định 20, giới chuyên môn đã không ít lần bàn về những bất cập của Nghị định này khi áp dụng vào thực tiễn.

Đăng Khôi

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến