Dòng sự kiện:
HoREA: Đề xuất cho doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư bất động sản
02/06/2022 19:30:26
HoREA vừa có văn bản gửi Văn phòng Quốc hội kiến nghị sửa đổi Điều 150 Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm “cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư bất động sản”.

Ngày 2/6, tin từ Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), vừa kiến nghị sửa đổi Điều 150 Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) theo hướng "cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư bất động sản theo quy định của Chính phủ" để phù hợp với Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị.

Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị “Về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế”.

Theo Horea, Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị “Về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế” đã đặt ra các mục tiêu, trong đó đến năm 2035 “nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 20-30% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn”; đến năm 2045 “nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 30-50% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn” và quyết định nhiệm vụ, giải pháp “Hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế”.

Do vậy, tại Điểm a và Điểm b Khoản 3 Điều 150, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đang lấy ý kiến góp ý có quy định doanh nghiệp bảo hiểm “không được phép đầu tư bất động sản” là chưa phù hợp với chủ trương “khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế” theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, nên cần bổ sung quy định cho phép “doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế”.

Hiệp hội nhận thấy, rất cần thiết cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng “vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ” để “đầu tư tài chính, đầu tư vốn” vào một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bất động sản (nhưng không được thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản), tương tự như nhiều nước cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư tài chính.

Bởi lẽ, nguồn vốn bảo hiểm cũng là một nguồn vốn xã hội hóa rất lớn cần được khai thác, nếu sử dụng hiệu quả sẽ bổ sung thêm một nguồn vốn đầu tư, góp phần chia sẻ bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng.

Việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng “vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ” để đầu tư tài chính, đầu tư vốn vào lĩnh vực bất động sản vẫn đảm bảo phù hợp với quy định “không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để kinh doanh bất động sản”, HoREA phân tích.

Trong khi đó, Khoản 5 Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản “không được ủy quyền cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn thực hiện ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua bất động sản”.

Bên cạnh đó, Điều 6 Luật Nhà ở 2014 quy định “các hành vi bị nghiêm cấm” tại Khoản 8 cũng quy định tương tự. Do đó, doanh nghiệp bảo hiểm cũng không được trực tiếp kinh doanh bất động sản mà chỉ được đầu tư vốn và được phân chia lợi nhuận (hoặc chịu lỗ) theo hợp đồng góp vốn đầu tư.

HoREA kiến nghị cho doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư bất động sản.

Về mức vốn mà doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, HoREA cho biết quy định “doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư tài chính, góp vốn vào lĩnh vực bất động sản với mức tối đa 10% đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tối đa 20% đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ” tại Điều 62 Nghị định 73/2016/NĐ-CP là phù hợp và vẫn phải đảm bảo thực hiện nguyên tắc doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm “tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư, bảo đảm tính an toàn, hiệu quả và thanh khoản”.

HoREA còn kiến nghị bổ sung quy định về "bảo hiểm nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai".

Bởi lẽ, trong thị trường bất động sản thì khách hàng thường là "bên yếu thế", nhất là người tiêu dùng mua nhà để ở, hoặc nhà đầu tư nhỏ lẻ so với chủ đầu tư dự án bất động sản thường là "bên có lợi thế".

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng khi mua nhà ở hình thành trong tương lai, khoản 1 điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định: Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính đối với khách hàng khi không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết. Đây là quy định bắt buộc.

Tác giả: Nguyễn Quốc Lâm

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến