Dòng sự kiện:
HoREA: Doanh nghiệp BĐS cần được hỗ trợ về chính sách để 'hồi sinh' sau dịch bệnh
08/05/2020 15:14:57
Từ kinh nghiệm xử lý các cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản trong hơn 10 năm qua, cho thấy thị trường bất động sản có khả năng phục hồi rất nhanh.

BĐS "đóng băng" mùa dịch

Tác động của dịch bệnh Covid-19 trong 4 tháng đầu năm vừa qua đã làm đóng cửa khoảng 80% số lượng sàn giao dịch. Với 20% còn lại, các sàn chỉ hoạt động cầm chừng. Tỷ lệ người lao động mất việc, tạm ngừng công việc hoặc làm việc cầm chừng trong lĩnh vực BĐS tương đối lớn.

4 tháng đầu năm 2020, số lượng doanh nghiệp được thành lập mới tăng thấp nhất trong cùng kỳ giai đoạn 2015-2019; giảm 11,9%, tạm ngưng kinh doanh tăng 94,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngành BĐS là ngành có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất trong các ngành nghề dẫn tới việc gia tăng số lượng, giá trị sản phẩm BĐS tồn kho.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, đặc biệt là Nghị định 41/2020/NĐ-CP “thần tốc” hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch nhằm thực hiện mục tiêu “kép”, phục hồi và phát triển kinh tế đất nước năm 2020. Song đối với thị trường BĐS đã và đang rơi vào trạng thái "ngủ đông" vì dịch bệnh, HoREA cho rằng doanh nghiệp vẫn cần Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc về quy trình thủ tục hành chính và khai thông nguồn vốn tín dụng.

BĐS thương mại "ế ẩm", vắng khách thuê nhiều tháng nay vì dịch Covid-19 

Tiền chưa chắc đã giải quyết được khó khăn của doanh nghiệp BĐS

Nhìn lại cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, dẫn đến phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, làm cho thị trường bất động sản bị đóng băng. Năm 2009, với gói kích cầu đầu tư có giá trị khoảng 1 tỷ USD và điều chỉnh giảm dần lãi suất cơ bản, đã giúp nền kinh tế và thị trường bất động sản phục hồi.

Nhưng việc kích cầu đầu tư và phát triển “nóng” lại gây ra “bong bóng” bất động sản năm 2010, dẫn đến việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ từ đầu năm 2011, làm cho thị trường bất động sản bị đóng băng lần thứ hai. Năm 2013, với gói kích cầu tiêu dùng 30.000 tỷ đồng, đã hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi và kéo theo sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực kinh tế.

Từ kinh nghiệm xử lý các cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản trong hơn 10 năm qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận thấy: "Thị trường bất động sản có khả năng phục hồi rất nhanh. Doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin hỗ trợ về cơ chế chính sách."

 

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM

Ông cũng cho rằng, thị trường bất động sản như chiếc lò xo bị nén, càng bị nén thì chỉ cần Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục hành chính và khai thông nguồn vốn tín dụng, thì sẽ bùng lên mạnh mẽ, tạo nên cú hích cho nền kinh tế."

Đề xuất của HoREA để "cứu" ngành BĐS

Trong văn bản đề xuất các giải pháp chủ yếuđể thị trường bất động sản phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh trong tình trạng bình thường mới, chung sống an toàn với dịch Covid-19 gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch HoREA đề xuất tháo gỡ ngay các vướng mắc, chồng chéo, mâu thuẫn trong một số quy định pháp luật và xây dựng “quy trình chuẩn” về thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, xen cài thửa đất thuộc nhà nước quản lý.

Trong đó, Hiệp hội nhấn mạnh Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát và hướng dẫn ban hành “Quy trình chuẩn 4 bước” về thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp theo quy định pháp luật hiện hành, để thống nhất thực hiện.

Theo quy trình thủ tục hiện nay, doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất dự án, rồi mới được công nhận chủ đầu tư, sau đó mới được cấp Giấy phép xây dựng và cuối cùng là thi công. Quy trình, thủ tục này làm chậm quá trình triển khai thực hiện dự án, làm tăng chi phí đầu tư, doanh nghiệp bị chôn vốn, làm tăng giá thành, làm tăng giá bán nhà, mà người mua phải gánh chịu. Bởi lẽ, thời gian làm thủ tục tính tiền sử dụng đất phải mất trên dưới 03 năm (hoặc lâu hơn); thời gian thi công mất trên dưới 02 năm mới đến thời điểm đủ điều kiện được huy động vốn. 

Quy trình này cũng không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, vì pháp luật về xây dựng không quy định doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất rồi mới được thi công các công trình của dự án. Đồng thời, pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản chỉ quy định chủ đầu tư dự án phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trong 02 trường hợp: (i) Trước khi bán nhà ở có sẵn, hoặc bán nhà ở hình thành trong tương lai; (ii) Trước khi lập thủ tục xin cấp “sổ đỏ” dự án.

Do vậy, Hiệp hội đề xuất “quy trình chuẩn 4 bước”, như sau:

- Bước 1: Lập thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư”.

- Bước 2: Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

- Bước 3: Lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. 

- Bước 4: Công nhận chủ đầu tư; Cấp Giấy phép xây dựng (Chủ đầu tư được khởi công xây dựng); Lập thủ tục xác định tiền sử dụng đất, cấp “số đỏ” dự án.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đưa ra các "Giải pháp về tài chính, tín dụng" theo đó hỗ trợ đối với các khoản vay tín dụng cũ; tạo điều kiện cho doanh nghiệp BĐS và người mua nhà vay mới; sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP, theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ và không siết trái phiếu doanh nghiệp BĐS tại thời điểm hiện nay.

Thu Trang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến