Dòng sự kiện:
HoSE có thể triển khai chứng khoán không có quyền biểu quyết để gỡ nút thắt vốn ngoại
08/05/2019 18:02:57
Sở GDCK TP HCM đang tham khảo kinh nghiệm từ các nước Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia trong việc triển khai sản phẩm mới như cổ phiếu và chứng chỉ không có quyền biểu quyết, tạo điều kiện thu hút dòng vốn ngoại.

Sáng 8/5, tại hội thảo Tiếp cận thị trường vốn Việt Nam do Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên Chuyên trách Hội đồng Quản trị Sở GDCK TP HCM đề cập đến 2 sản phẩm mới mà HoSE đang nghiên cứu là cổ phiếu không có quyền biểu quyết và chứng chỉ không có quyền biểu quyết (NVDR).

Hội thảo của UBCKNN sáng 8/5. Ảnh: Lê Hải.

Bà Việt Hà cho biết hiện nay việc nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đối với các doanh nghiệp trên sàn còn nhiều khó khăn, liên quan đến việc xác định ngành nghề kinh doanh, điều kiện thủ tục thực hiện, tính pháp lý… Đến nay, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại sàn HoSE ở mức 24,6%, trong khi trong nhóm VN30 là 27,35%.

HoSE đang nghiên cứu 2 sản phẩm mới được kỳ vọng là có thể tháo gỡ những hạn chế của dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam, qua đó tăng khả năng tiếp cận vốn cho khối ngoại, tăng tính thanh khoản và nâng hạng thị trường. Bà Việt Hà đưa ra mô hình thực hiện từ 3 nước Malaysia, Thái Lan và Nhật.

Với Malaysia và Nhật Bản, hai nước này đã triển khai sản phẩm cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Nhà đầu tư nước ngoài được phép mua vượt trên giới hạn sở hữu tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Malaysia, NĐTNN không thể biết họ có quyền biểu quyết. Việc xác định quyền này sẽ được Trung tâm lưu ký, công ty xác định theo nguyên tắc mua/sở hữu trước - ưu tiên trước. Trong khi đó tại Nhật Bản, website của trung tâm lưu ký sẽ cập nhật danh sách nhà đầu tư nước ngoài có quyền biểu quyết và không có quyền biểu quyết. Các cổ phiếu vượt giới hạn sở hữu của khối ngoại đều được hưởng đầy đủ cá quyền lợi tài chính.

Để triển khai các sản phẩm này, bà Hà cho biết sẽ cần sửa đổi một số điều trong Luật Chứng khoán, và Luật Doanh nghiệp 2014, liên quan đến các nội dung quyền biểu quyết và tỷ lệ để tiến hành họp ĐHCĐ.

Với Thái Lan, thị trường này đang triển khai chứng chỉ quỹ không có quyền biểu quyết (NVDR). Sản phẩm này là một loại chứng chỉ lưu ký được phát hành bởi Tổ chức phát hành NVDR (Thai NVDR - công ty con của Sở GDCK Thái Lan). Loại chứng khoán này được tự động niêm yết trên Sở GDCK. Việc phát hành và thu hồi NVDR được thực hiện theo cơ chế tự động ngay khi lệnh mua/bán cổ phiếu cơ sở được giao dịch thành công. Mỗi NVDR sẽ tương đương với 1 cổ phiếu cơ sở.

Quy trình của sản phẩm NVDR. Ảnh: Lê Hải.

Để triển khai sản phẩm này, Sở GDCK cần thành lập công ty con nhằm tách bạch tư cách pháp nhân riêng giữa Sở và tổ chức phát hành NVDR, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và tuần thủ chặt chẽ các quy định.

Tuy nhiên vấn đề của sản phẩm này là khi tổ chức phát hành NVDR nắm giữ cổ phiếu để có thể phát hành chứng chỉ thì sẽ ảnh hưởng đến quyền biểu quyết của doanh nghiệp và chào bán chứng khoán của doanh nghiệp. Điều này tiềm ẩn việc gia tăng sức mạnh biểu quyết của nhà đầu tư ngoại tại các công ty.

Bên cạnh đó với các đơn vị đặc thù như ngân hàng, hiện nay khung pháp lý quy định các tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn và việc mua bán chuyển nhượng cổ phần lượng lớn phải được chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hay cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người liên quan không được sở hữu trên 5% vốn tại tổ chức tín dụng khác.

Khắc phục các vấn đề này, HoSE đang đề xuất giớ hạn số lượng phát hành NVDR ở mức dưới 15% và đề xuất NHNN có cơ chế đặc thù ưu tiên cho NVDR. Đồng thời trong giai đoạn đầu, nhà đầu tư sẽ không được phép chuyển đổi NVDR sang cổ phiếu ngoại trừ trường hợp hủy niêm yết NVDR.

Tham luận tại hội thảo, đại diện của Dragon Capital cũng đề cập đến các vấn đề tồn tại của NVDR. Vị này cho biết tại Thái Lan kể từ khi triển khai NVDR năm 2000, chưa xuất hiện tranh chấp giữa doanh nghiệp với khối ngoại và sự tồn tại của NVDR không ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp.

So sánh về hai biện pháp này, bà Việt Hà nhận định sản phẩm cổ phiếu không có quyền biểu quyết sẽ dễ áp dụng hơn, với thị trường vì không đòi hỏi thay đổi lớn về mặt hệ thống. Trong khi đó, NVDR sẽ cần thay đổi về mặt pháp lý, nếu chủ trương được thông qua sẽ phải bàn sâu hơn về hệ thống, Sở và VSD phải bàn bạc chi tiết và cần một khoảng thời gian.

Theo Người đồng hành 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến