Dòng sự kiện:
HoSE đưa cổ phiếu Vietnam Airlines vào diện kiểm soát, chỉ được giao dịch buổi chiều
29/10/2021 10:27:22
HOSE công bố quyết định về việc chuyển cổ phiếu của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (mã HVN-HOSE) từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 03/11/2021...

Sơ đồ giao dịch giá cổ phiếu HVN trong thời gian qua.

Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) công bố quyết định về việc chuyển cổ phiếu của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP - Vietnam Airlines (mã HVN-HOSE) từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 03/11/2021.

Nguyên nhân mà HOSE đưa ra là lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2021 là -8.458 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2021 là -17.808 tỷ đồng vượt quá vốn điều lệ thực góp, căn cứ BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2021 thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát tgeo quy đinh tại Tiết c Điểm 1.1 Điều 23 Quy chế Niêm yết chứng khoán tại HOSE ban hành kèm theo Quyết định số 85/QĐ-SGDHCM ngày 19/3/2018.

Bên cạnh đó, cổ phiếu HVN sẽ bị hạn chế về thời gian giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận) từ ngày 3/11/2021. Căn cứ giải trình của công ty, HOSE sẽ thông báo về việc cổ phiếu được giao dịch toàn thời gian trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát.

Mới đây, vào ngày 13/9/2021, SCIC đã giải ngân số tiền 6.894,9 tỷ đồng mua cổ phiếu để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ của Vietnam Airlines.

Việc SCIC đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines góp phần bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của Vietnam Airlines, hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ sớm hoàn tất Đề án tái cơ cấu tổng thể để đảm bảo thích nghi với tình hình mới, vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển bền vững.

Theo Chiến lược phát triển của SCIC giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2035, SCIC xác định tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực nhà nước cần nắm giữ có tác động lan tỏa đến nền kinh tế, thực hiện tốt vai trò là “nhà đầu tư của Chính phủ” theo định hướng chiến lược của Đảng và Chính phủ.

Trước đó, năm 2020, Quốc hội đã thông qua gói giải pháp hỗ trợ 12.000 tỷ đồng để bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho Vietnam Airlines trong đó 4.000 tỷ là vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tín dụng còn 8.000 tỷ để tăng vốn điều lệ thông qua phương án phát hành cổ phiếu.

Với gói 8.000 tỷ đồng, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm này được chia cho các cổ động hiện hữu. Trong đó, với cổ đông nhà nước, Chính phủ giao SCIC thực hiện mua số cố phần thuộc quyền của cổ đông nhà nước tại Vietnam Airlines (tương đương giá trị cổ phiếu khoảng 6.880 tỷ đồng).

Với khoản tiền thu được, Vietnam Airlines sẽ dùng thanh toán toàn bộ các khoản nợ quá hạn, bù đắp phần vốn thiếu hụt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng. Hãng cam kết không dùng số tiền vốn này cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tác giả: Hà Anh

Theo: Vneconomy
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến