Dòng sự kiện:
HoSE thu 10 tỷ đồng mỗi phiên giao dịch
31/07/2021 14:48:58
Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố doanh thu thuần bán niên kỷ lục hơn 1.300 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ.

Trong nửa đầu năm Sở này đã vận hành tổng cộng 125 phiên giao dịch, tạm tính số tiền thu mỗi phiên khoảng 10,4 tỷ đồng. Theo cơ cấu, nguồn thu chủ yếu đến từ dịch vụ giao dịch chứng khoán với tỷ trọng đóng góp đến gần 94% doanh thu và gấp 3,7 lần so với cùng kỳ.

Ngoài ra còn có doanh thu hoạt động cung cấp dịch vụ hơn 53 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ niêm yết hơn 7 tỷ đồng và doanh thu khác hơn 22 tỷ đồng.

Biên lãi gộp hơn 97%

Trước đây, HoSE thu từ các công ty chứng khoán thành viên 0,03% giá trị giao dịch đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và 0,02% đối với ETF, chứng quyền có bảo đảm theo Thông tư 127/2018 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên từ giữa tháng 3/2020, mức thu phí lần lượt giảm còn 0,027% và 0,018% theo Thông tư 14 để hỗ trợ nhà đầu tư vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Mặc dù tỷ lệ thu phí giảm, nguồn thu của HoSE lại tăng mạnh, điều này là nhờ thanh khoản thị trường chứng khoán bùng nổ. VN-Index ghi nhận mức tăng 27,6% trong nửa đầu năm và là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thứ 2 trên thế giới.

Thanh khoản tại HoSE liên tiếp ghi nhận các mức kỷ lục mới khiến hệ thống giao dịch nhiều lần gặp tình trạng nghẽn lệnh, đỉnh điểm là phiên giao dịch 31.000 tỷ đồng ngày 4/6. Tính bình quân 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch mỗi phiên đạt hơn 19.600 tỷ đồng, gấp 3 lần năm ngoái.

Đóng góp lớn vào thanh khoản chung phải kể đến sự gia nhập của các nhà đầu tư mới khi tài khoản mở mới cao kỷ lục. Số lượng mở mới 6 tháng đầu năm đạt hơn 620.000 đơn vị, cao hơn 58% so với cả năm 2020. Tổng số lượng tài khoản ghi nhận gần 3,4 triệu đơn vị, chiếm khoảng 3,3% dân số.

Hiệu lực của Thông tư 14 bắt đầu từ ngày 31/8/2020 và kết thúc ngày 30/6/2021. Theo đó, mức giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại HoSE và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam sau đó sẽ quay về theo Thông tư 127/2018. Như vậy mặc dù thanh khoản từ tháng 7 đã giảm đáng kể nhưng nguồn thu của Sở này cũng được hỗ trợ từ tỷ lệ thu phí cao.

Giá vốn thấp chưa đến 37 tỷ đồng giúp biên lợi nhuận gộp của HoSE lên con số ấn tượng hơn 97%. Các công ty cung cấp dịch vụ thường có giá vốn thấp nên biên lợi nhuận cao, nhưng con số của HoSE là vượt trội so với hầu hết khối doanh nghiệp. Một số ngành độc quyền hoặc có lợi thế cạnh tranh cao như dịch vụ hàng không, khu công nghiệp, điện mặt trời có biên lãi gộp chưa đến 80%.

Sở này cung cấp dịch vụ cho các đơn vị thành viên do đó không phát sinh chi phí bán hàng và không vay nợ nên không có chi phí lãi vay. Chi phí đáng kể nhất là quản lý doanh nghiệp hơn 269 tỷ đồng, tăng gần 130% so với cùng kỳ (chủ yếu do tăng phí giám sát hoạt động chứng khoán phải nộp về UBCKNN).

Kết quả, HoSE lần đầu ghi nhận lợi nhuận trước thuế bán niên vượt 1.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 817 tỷ đồng, gấp 4,3 lần cùng kỳ năm ngoái và tương ứng tỷ suất sinh lời trên doanh thu gần 63%.

Năm 2021, HoSE đặt kế hoạch doanh thu 1.065 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 648 tỷ, lần lượt tăng hơn 7% và giảm hơn 6% so với năm 2020. Như vậy đơn vị này đã đạt 22% chỉ tiêu doanh thu và 57% mục tiêu lợi nhuận.

Đã chi 342 tỷ đồng cho dự án KRX

Tổng tài sản của Sở đạt hơn 2.860 tỷ đồng tại cuối tháng 6. Trong đó tổng lượng tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn đạt 1.654 tỷ đồng, chiếm đến 58% tổng tài sản doanh nghiệp. Một tài sản đáng chú ý khác là chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 345 tỷ đồng.

Trong đó chi phí “Thiết bị tin học cho dự án xây dựng HoSE” chiếm chủ yếu với số tiền 342 tỷ đồng. Bên cạnh đó khoản mục này còn phát sinh 1,7 tỷ đồng chi phí xây dựng trang thông tin điện tử.

Từ năm 2012, HoSE đã ký hợp đồng dịch vụ công nghệ thông tin với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) để triển khai gói thầu "Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin" trị giá hơn 600 tỷ đồng cho thời hạn 5 năm. Tuy nhiên đến nay sau gần một thập kỷ, hệ thống này mới vẫn chưa chính thức hoạt động.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, Thành viên phụ trách HĐQT HoSE, hệ thống giao dịch mới KRX là công nghệ thông tin tích hợp có mức độ phức tạp lớn, không chỉ áp dụng thông lệ quốc tế mà còn chỉnh sửa phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, đo đó việc triển khai có những khó khăn nhất định.

Mới đây vị lãnh đạo này tiết lộ dự án đang trong giai đoạn triển khai kiểm thử nội bộ, đồng thời đã kết hợp kiểm thử tự nguyện đến một số công ty chứng khoán từ ngày 14/6 và dự kiến kết thúc 16/8. Sau giai đoạn kiểm thử với toàn bộ thành viên thị trường, HoSE sẽ kiểm thử lần cuối trước khi vận hành chính thức vào đầu năm tới.

Hệ thống mới của KRX dự kiến mang lại nhiều tiện ích mới. Bà Việt Hà dẫn chứng là giao dịch lô lẻ sẽ thực hiện được và có thể lập một bảng riêng trên hệ thống mới cho nhà đầu tư, ngoài ra giao dịch trong ngày (T+0) cũng sẽ thực hiện được.

Hiện nay HoSE có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, thuộc sở hữu 100% của Bộ Tài chính. Doanh nghiệp còn có quỹ đầu tư phát triển có 456 tỷ đồng, trong khi toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích lập quỹ phải nộp về ngân sách nhà nước.

Vào ngày 30/6, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) đã ra quyết định số 02/QĐ-HĐTV “Về việc thành lập Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM”, công ty con do VNX sở hữu 100% vốn điều lệ. HoSE cho biết đang thực hiện các thủ tục pháp lý để được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để bàn giao vốn cho VNX.

Mặc dù kết quả kinh doanh vượt trội nhưng thu nhập của người quản lý và Ban kiểm soát là hơn 2,9 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này chủ yếu do Hội đồng quản trị HoSE đã giảm xuống 3 thành viên khi ông Lê Hải Trà được điều chuyển thành tổng giám đốc.

Tác giả: Huy Lê

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến