Chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN được dự báo chậm lại trong năm 2023 nhưng chu kỳ tăng lãi suất vẫn sẽ tiếp tục. Ảnh: Hoàng Hà.
Ghi nhận trong báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022, các chuyên gia phân tích tại HSBC cho rằng với mức tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt trên 8%, Việt Nam sẽ là một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Tuy nhiên, bất chấp một năm 2022 tươi đẹp, 2023 sẽ là một năm thách thức.
Theo HSBC, rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay là những khó khăn trong thương mại gia tăng. Động lực bên ngoài đã giảm tốc mạnh trong vài tháng qua và triển vọng không chắc chắn khi tăng trưởng của các đối tác thương mại lớn được dự báo chậm lại.
Bên cạnh đó, lạm phát cao cũng là vấn đề tác động tới tăng trưởng kinh tế năm nay, đặc biệt là giá hàng hóa cơ bản.
Tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất
Theo các chuyên gia phân tích, trong khi lạm phát chính của năm 2022 đã ở mức tương đối thấp, khoảng 3,2%, Việt Nam đang ghi nhận áp lực lạm phát mạnh lên. Cụ thể, tháng 12/2022 là tháng thứ ba liên tiếp ghi nhận lạm phát vượt mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước.
Không chỉ lạm phát cơ bản tăng lên 5% so với cùng kỳ năm trước, thị trường trong nước còn chứng kiến giá nguyên liệu thô tăng lên. Điều này theo HSBC đồng nghĩa với việc NHNN có thể tiếp tục chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Là ngân hàng trung ương cuối cùng ở ASEAN có động thái điều chỉnh lãi suất, NHNN đã chủ động bắt kịp xu hướng chung, tăng lãi suất 2 điểm % trong cả năm 2022.
Trong năm 2023, các chuyên gia HSBC kỳ vọng NHNN sẽ thắt chặt các chính sách tiền tệ chậm lại khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo giảm tốc độ tăng lãi suất và biến động ngoại tệ được xoa dịu. Tuy nhiên, chu kỳ tăng lãi suất sẽ còn tiếp tục.
“Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn 0,5 điểm % trong quý I và II, đồng thời nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7%/năm vào giữa năm nay”, báo cáo HSBC nhấn mạnh.
Trước đó, một tổ chức tài chính khác - UOB - cũng dự báo NHNN sẽ thực hiện thêm một đợt tăng lãi suất 1 điểm % vào đầu năm nay. Theo chuyên gia tại UOB, động lực để nhà điều hành chính sách tiền tệ Việt Nam thực hiện đợt điều chỉnh lãi suất này sẽ là Fed chưa ngừng tăng lãi suất, sức mạnh đồng USD tăng lên và áp lực lạm phát. Việc NHNN tăng lãi suất thêm 1 điểm % sẽ phù hợp với quỹ đạo tăng chính sách tiền tệ của Fed.
Tăng trưởng kinh tế 2023 thận trọng
Về dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay, HSBC cho biết đã có những dấu hiệu cho thấy yếu tố thuận lợi trong nước đang giảm dần. Cụ thể, tổng mức bán lẻ đã đạt đỉnh và đà tăng trưởng của tháng 12 cho thấy sự giảm nhẹ. Một phần nguyên nhân đến từ tốc độ phục hồi chậm của ngành du lịch.
Theo HSBC, sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam đã và đang chậm so với các nước trong khu vực. Năm 2022, Việt Nam đón khoảng 3,6 triệu lượt khách, đạt 70% chỉ tiêu đặt ra. Tuy nhiên, mức này chỉ bằng 20% so với năm 2019 và thấp hơn mức 28% của Singapore (5 triệu lượt khách) và mức 25% của Thái Lan (hơn 11 triệu lượt khách).
Dù không quá phụ thuộc vào du lịch như Thái Lan, đây vẫn là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là thị trường việc làm. Hiện có khoảng 25% lực lượng lao động làm việc trong các ngành liên quan đến ăn uống và lưu trú. Đặc biệt, thị trường việc làm phi chính thức của Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ ngành du lịch.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại kể từ ngày 8/1 có thể là cú hích cần thiết cho du lịch Việt Nam, vì đây là nguồn khách lớn nhất của thị trường trong nước (30% du khách đến từ Trung Quốc đại lục).
HSBC cũng chỉ ra rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam chính là những khó khăn trong hoạt động thương mại. Đây cũng là lý do khiến sản lượng sản xuất trong quý IV/2022 chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, xuất khẩu đã sụt giảm 14% trong tháng 12/2022 so với cùng kỳ, sự suy yếu diễn ra trên diện rộng ở các ngành hàng chính, đặc biệt là điện tử. Tương tự, nhập khẩu cũng giảm 8,1% trong tháng này, chủ yếu là ở nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến công nghệ.
“Điều này có thể được hiểu là Việt Nam đang ở thế đứng mũi chịu sào từ chu kỳ công nghệ toàn cầu đang hạ nhiệt, với bản chất hoạt động sản xuất hàng điện tử đòi hỏi nhập khẩu nhiều”, HSBC cho biết.
Ngoài ra, các chuyên gia tại đây cũng chỉ ra một số yếu tố tác động tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay như thặng dư thương mại thu hẹp do xuất khẩu chậm lại. HSBC dự báo Việt Nam sẽ thâm hụt nhẹ tài khoản vãng lai năm thứ hai liên tiếp, khoảng 1,4% GDP, ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi Đồng Việt Nam.
Trước đó, để bảo vệ đồng nội tệ, NHNN đã bán bớt ngoại tệ dự trữ. Việc điều chỉnh tỷ giá đồng USD gần đây cùng với thanh khoản USD được cải thiện đã giúp VNĐ giảm bớt áp lực. Dù vậy, việc tăng giá VNĐ sẽ là một quá trình từ từ và từng bước.
Ở chiều ngược lại, HSBC cho rằng FDI sẽ tiếp tục là mỏ neo cho thương mại Việt Nam, dù triển vọng ngắn hạn vẫn còn thách thức. Hiện nhiều “gã khổng lồ ngành công nghệ” truyền thống như Samsung và LG đã công bố kế hoạch tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam với mức 2 tỷ USD từ Samsung và 4 tỷ USD từ LG. Trong khi đó, Apple cũng dự kiến bắt đầu sản xuất MacBook ở Việt Nam từ giữa năm 2023.
“Tất cả diễn biến này đều cho thấy một điều, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn ở ASEAN đối với nhà đầu tư nước ngoài năm nay”, HSBC nhấn mạnh.
Năm nay, HSBC dự báo tăng trưởng Việt Nam sẽ ở mức 5,8% và lạm phát bình quân tăng lên 4%.
Tác giả: Quang Thắng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy