Ông Nhiệm Chính Phi trong cuộc họp báo ngày 15/1
Theo tin từ Bloomberg, ông Nhiệm phủ nhận những cáo buộc cho rằng Huawei giúp Chính phủ Trung Quốc thực hiện các hành vi gián điệp, khẳng định công ty mà ông sáng lập không có sự liên lạc thường xuyên với Bắc Kinh. Tuyên bố này được ông Nhiệm đưa ra trong bối cảnh "đế chế" Huawei đối mặt cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử 3 thập kỷ phát triển.
Ông Nhiệm cũng gọi ông Donald Trump là "một vị Tổng thống tuyệt vời" và nói sẽ chờ xem liệu nhà lãnh đạo Mỹ có can thiệp vào vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou). Bà Mạnh, con gái cả của ông Nhiệm, đang được tại ngoại ở Canada và có nguy cơ bị dẫn độ về Mỹ vì cáo buộc lừa dối nhiều ngân hàng khiến các định chế tài chính này trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
"Hạt vừng" trong xung đột Mỹ-Trung
Sự xuất hiện của ông Nhiệm - người vô cùng kín tiếng với giới truyền thông và lần gần đây nhất có cuộc trò chuyện với các nhà báo nước ngoài là vào năm 2015 - cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng mà Huawei, biểu tượng sức mạnh công nghệ đang nổi lên của Trung Quốc, phải đối mặt.
Vụ bắt giữ bà Meng phản ánh nỗi sợ của Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung về ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, cụ thể hơn là Huawei, trong các lĩnh vực từ hạ tầng không dây thế hệ mới nhất cho tới thiết bị bán dẫn và thiết bị điện tử tiêu dùng. Thời gian qua, Washington đã thuyết phục được một danh sách ngày càng dài các quốc gia đồng minh "cấm cửa" thiết bị mạng Huawei.
"Tôi yêu đất nước của mình, tôi ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng tôi sẽ không làm bất cứ điều gì có hại cho thế giới", ông Nhiệm, 74 tuổi, nói trong một cuộc họp báo bàn tròn. Đây mới là lần thứ ba từ trước đến nay nhà sáng lập Huawei tổ chức họp báo bàn tròn với phóng viên nước ngoài. "Tôi không thấy có sự liên hệ gần gũi nào giữa quan điểm chính trị của cá nhân tôi với hoạt động kinh doanh của Huawei".
Ông Nhiệm khẳng định sẽ từ chối bất kỳ đề nghị nào của Bắc Kinh về cung cấp thông tin nhạy cảm về khách hàng của Huawei, đồng thời nhấn mạnh tiềm năng hợp tác với Mỹ và chính quyền ông Trump. Ông cũng bác bỏ vai trò của Huawei trong căng thẳng hiện nay giữa Washington và Bắc Kinh.
"Huawei chỉ là một hạt vừng trong xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ", ông Nhiệm phát biểu tại trụ sở của Huawei ở Thẩm Quyến. "Ông Trump là một vị Tổng thống tuyệt vời. Ông ấy dám mạnh tay cắt giảm thuế, và điều đó sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp. Nhưng Mỹ cần phải đối xử tốt với các công ty và các quốc gia để họ sẵn sàng đầu tư vào Mỹ và Chính phủ Mỹ sẽ thu được đủ thuế".
Lạc quan về doanh thu
Mấy tuần qua, hàng loạt nhà điều hành của Huawei, bao gồm Chủ tịch luân phiên Ken Hu, đã lên tiếng trước truyền thông nhằm phủ nhận các cáo buộc gián điệp nhằm vào tập đoàn, đồng thời yêu cầu các bên có cáo buộc đưa ra bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, vụ bắt một Giám đốc bán hàng của Huawei ở Ba Lan hồi tuần trước do cáo buộc gián điệp có thể đã buộc ông Nhiệm phải đích thân lên tiếng. Vào cuối tuần vừa rồi, Giám đốc bị bắt ở Ba Lan đã bị Huawei sa thải.
Bất chấp những thách thức mà Huawei đang đối mặt, ông Nhiệm bày tỏ tin tưởng doanh thu của tập đoàn sẽ tăng lên mức 125 tỷ USD trong 2019, từ mức hơn 100 tỷ USD trong 2018.
"Huawei không phải là một công ty đại chúng, chúng tôi không cần phải có những báo cáo lợi nhuận đẹp", ông Nhiệm phát biểu. "Nếu họ không muốn Huawei có mặt ở một số thị trường, chúng tôi có thể co lại một chút. Chừng nào chúng tôi còn sống được và nuôi được nhân viên của mình, thì chừng đó vẫn còn tương lai cho chúng tôi".
Năm 1987, ông Nhiệm sáng lập Huawei cùng với 4 cộng sự, bằng số vốn 21.000 Nhân dân tệ. Kể từ đó, ông đã xây dựng nên một hãng công nghệ có doanh thu lớn hơn cả doanh thu của Alibaba và Tencent gộp lại. Năm ngoái, Huawei vượt qua tập đoàn Mỹ Apple về doanh số điện thoại thông minh (smartphone).
Năm 2011, ông Nhiệm thôi điều hành hoạt động hàng ngày của Huawei và áp dụng một hệ thống lãnh đạo luân phiên, cho phép các lãnh đạo trẻ được thay nhau điều hành công ty trong thời gian khoảng 6 tháng mỗi lần. Tuy nhiên, ông Nhiệm vẫn giữ vai trò là đại diện cao nhất trong các sự kiện quan trọng của Huawei, chẳng hạn khi ông tháp tùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm văn phòng Huawei ở Anh vào năm 2015.
Một báo cáo hồi năm 2017 của Huawei cho thấy ông Nhiệm nắm cổ phần 1,4% trong công ty, tương đương giá trị tài sản ròng 2 tỷ USD - theo xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index.
Ông Nhiệm nói Huawei sẽ tiếp tục tương tác với cac chính phủ để họ có thể hiểu rõ hơn về Huawei. "Huawei luôn đứng về phía khách hàng trong vấn đề an ninh mạng và bảo mật thông tin", ông nói thêm.
Theo Vneconomy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy