Kho chip tiên tiến dành cho điện thoại thông minh của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc hiện đã cạn kiệt do các biện pháp hạn chế của Mỹ.
Tập đoàn công nghệ Huawei đã sử dụng hết chất bán dẫn tiên tiến được thiết kế cho điện thoại thông minh sau khi lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ cắt đứt khả năng tiếp cận của công ty với các chip mới tiên tiến.
Thị phần của công ty thiết kế chip HiSilicon của Huawei trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đã giảm xuống 0% trong quý III từ mức 0,4% trong quý II, theo công ty nghiên cứu thị trường công nghệ toàn cầu Counterpoint Research có trụ sở tại Hồng Kông.
Viễn cảnh không thể tránh khỏi
Hoạt động kinh doanh thiết bị cầm tay Android của Huawei đã bị ảnh hưởng nặng nề sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa công ty này, cùng với bộ phận chip HiSilicon và 113 công ty con, vào Danh sách Thực thể của Bộ Thương mại Mỹ với lý do lo ngại về an ninh quốc gia năm 2019.
Động thái này đã ngăn Huawei và các chi nhánh của công ty tiếp với chất bán dẫn được phát triển hoặc sản xuất bằng công nghệ của Mỹ (từ bất kỳ đâu), trừ khi bên sản xuất xin được giấy phép đặc biệt.
Một nhân viên làm việc trên dây chuyền lắp ráp của nhà máy điện thoại di động Huawei ở Đông Hoản, Trung Quốc. Ảnh: Wired
Sau đó, Nhà Trắng dưới thời ông Trump đã mở rộng các hạn chế đối với Huawei vào năm 2020 bằng cách ngăn chặn công ty này mua chất bán dẫn được sản xuất ở nước ngoài bằng phần mềm hoặc phần cứng của Mỹ, trừ khi được Mỹ cho phép.
Điều này có nghĩa là công ty có khả năng không thể chuyển sang các nhà sản xuất chip hợp đồng như TSMC để chế tạo các thiết kế của mình nếu xưởng đúc đang sử dụng bất kỳ thiết bị hoặc công cụ thiết kế nào của Mỹ. Chỉ vài tháng sau đó, TSMC thông báo rằng họ sẽ không tiếp tục sản xuất chip cho Huawei do các quy định của Mỹ.
Kết quả là Huawei hiện không có chip tiên tiến từ bộ phận HiSilicon và phải dựa vào chipset 4G từ công ty Qualcomm của Mỹ cho các dòng điện thoại thông minh mới của hãng (Qualcomm có giấy phép đặc biệt để xuất khẩu thiết bị sang Trung Quốc).
Huawei đã dự trữ linh kiện để tránh kịch bản này, nhưng báo cáo của Counterpoint cho thấy việc cạn kiệt các chipset tiên tiến do HiSilicon thiết kế là điều không thể tránh khỏi.
Gian nan giành lại thị phần
Dữ liệu mới nhất của Counterpoint Research cũng nêu bật những khó khăn mà công ty đang hoạt động tại hơn 170 quốc gia tiếp tục phải trải qua sau 3 năm bị Mỹ đưa vào danh sách đen.
Trước khi Mỹ siết chặt các lệnh trừng phạt, HiSilicon chiếm 16% thị phần chipset toàn cầu trong quý II/2020 nhờ lô hàng chip Kirin tiên tiến được sử dụng trên điện thoại thông minh của Huawei.
HiSilicon cũng bị loại khỏi bảng xếp hạng 25 nhà cung cấp chất bán dẫn hàng đầu thế giới vì các hạn chế thương mại của Mỹ, khiến thị phần chung của Trung Quốc trên thị trường chip toàn cầu giảm xuống, theo một báo cáo được công bố vào tháng 4 bởi công ty nghiên cứu Gartner.
Những hạn chế về nguồn cung chip Kirin đã khiến hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, chịu nhiều áp lực.
Vào tháng 9, công ty đã ra mắt dòng điện thoại thông minh Mate 50 hàng đầu mới nhưng không có kết nối di động 5G mà chỉ có kết nối 4G và vệ tinh nhờ chipset của Qualcomm.
Điện thoại thông minh Mate 50 mới của Huawei không có chip 5G tự thiết kế mà phải sử dụng chip 4G của Qualcomm. Ảnh: qucox.com
Từng là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc, Huawei đã chứng kiến thị phần giảm tại thị trường quê nhà. Trong quý III, công ty vẫn đứng ngoài bảng xếp hạng 5 nhà cung cấp hàng đầu tại Trung Quốc, dẫn đầu là Vivo, Oppo, Honor (thương hiệu điện thoại giá rẻ trước đây của Huawei), Apple và Xiaomi, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Canalys.
Tuy nhiên, Huawei không bỏ cuộc. Theo tờ Financial Times, công ty này đang thiết kế lại thiết bị cầm tay Android của mình để sử dụng chip kém tiên tiến hơn do các công ty Trung Quốc chế tạo nhằm tránh các biện pháp hạn chế thương mại của Mỹ.
Những thiết kế chip này có thể sẽ chậm hơn so với chipset do các đối thủ nước ngoài sản xuất, những người không bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Công ty này cũng đang nỗ lực mở rộng các thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế nhằm tăng doanh thu trong bối cảnh hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của hãng gặp khó khăn. Đầu tháng 12, Huawei đã cấp phép một số công nghệ điện thoại thông minh của mình cho đối thủ Oppo.
Tác giả: Nguyễn Tuyết/Theo The Register, SCMP
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy