Dòng sự kiện:
HUD muốn thu hồi 46 tỷ đồng tại Thép Sông Hồng
09/03/2022 12:04:05
Từng là cổ đông lớn của Thép Sông Hồng, nhưng đến nay, HUD lại có khoản phải thu hơn 46 tỷ đồng tại nhà sản xuất thép này và đã phải trích lập dự phòng rủi ro toàn bộ.

Liên quan sự kiện Công ty CP Thép Sông Hồng đang làm thủ tục giải thể, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ mới đây đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với nhà sản xuất thép này.

Trong đó, đơn vị yêu cầu mở thủ tục phá sản với Thép Sông Hồng là Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD), cổ đông sáng lập của doanh nghiệp.

Cụ thể, theo TAND tỉnh Phú Thọ, sau khi xem xét đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và các giấy tờ, tài liệu liên quan của HUD đối với bên bị yêu cầu là Thép Sông Hồng (người đại diện theo pháp luật là bà Trần Thị Huệ Chi, sinh năm 1975), cơ quan này cho biết có đủ căn cứ chứng minh Thép Sông Hồng đã mất khả năng thanh toán.

Vì vậy, Tòa quyết định mở thủ tục phá sản đối với nhà sản xuất thép có trụ sở tại Phú Thọ này.

Từng là cổ đông lớn nhất tại Thép Sông Hồng, tuy nhiên, ghi nhận trên báo cáo tài chính gần nhất của HUD, tổng công ty này hiện chỉ còn một khoản phải thu từ cổ phần hóa tại Thép Sông Hồng với số dư 46,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, HUD đã phải trích lập dự phòng với toàn bộ khoản phải thu ngắn hạn này.

Đáng chú ý, HUD cho biết căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012 của Thép Sông Hồng, giá trị sổ sách của cổ phiếu công ty này đã là âm 9.500 đồng/cổ phiếu, với mức vốn chủ sở hữu âm 110 tỷ đồng.

Đến hết quý I/2012, Thép Sông Hồng đã nợ gần 540 tỷ đồng, trong đó có 350 tỷ đồng nợ quá hạn. Ban tổng giám đốc HUD đã đánh giá một cách thận trọng khả năng thu hồi khoản công nợ và quyết định trích lập dự phòng phải thu khó đòi bằng 100% giá trị khoản phải thu, tương đương hơn 46,2 tỷ đồng.

Nhà xưởng của Thép Sông Hồng trên lô đất 10 ha tại phố Đoàn Kết, phường Bạch Hạc, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: T.L.

Theo báo cáo của Tổng công ty Sông Hồng (cổ đông sáng lập Thép Sông Hồng), đến cuối quý II/2020, tổng tài sản của nhà sản xuất thép này đạt hơn 344 tỷ. Tuy nhiên, vay và nợ quá hạn đã lên tới 420 tỷ đồng, được thế chấp bởi hàng hóa (thép và sản phẩm thép) tại ngân hàng SHB. Tuy vậy, cuối năm 2021 vừa qua, ngân hàng cũng đã có thông báo thực hiện quyền bán nợ khoản vay của Thép Sông Hồng.

Trong đó, tổng giá trị khoản nợ hiện nay là gần 796 tỷ đồng, bao gồm 216 tỷ nợ gốc và 578 tỷ đồng nợ lãi. Tài sản đảm bảo gồm, bảo lãnh vay vốn của Tổng công ty Sông Hồng với hạn mức 100 tỷ đồng và 13.539 tấn thép thành phẩm của công ty. Hiện phía ngân hàng cũng cho biết đã có bên mua lại khoản nợ này.

Thép Sông Hồng được thành lập năm 2005, trong đó, HUD nắm giữ 40% vốn. Tuy vậy, không lâu sau, công ty đã điều chỉnh cơ cấu vốn và tỷ lệ sở hữu của HUD tăng lên 72%. Hai cổ đông còn lại tại Thép Sông Hồng là Tổng công ty Sông Hồng nắm 20% và Công ty AT nắm 8%.

Đến năm 2008, HUD và Tổng công ty Sông Hồng có thỏa thuận chuyển nhượng, đối trừ các khoản công nợ, thực hiện bằng tỷ lệ sở hữu tại Thép Sông Hồng. Sau giao dịch, Tổng công ty Sông Hồng trở thành cổ đông lớn nhất tại nhà sản xuất thép này với hơn 85% cổ phần, trong khi HUD chỉ còn là đối tác.

Cơ cấu vốn của Thép Sông Hồng sau đó tiếp tục thay đổi năm 2015 khi công ty tăng vốn từ 120 tỷ lên 310 tỷ đồng. Sau giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của Tổng công ty Sông Hồng tại đây đã giảm xuống 32,9%, thay vào đó là sự xuất hiện của cổ đông Công ty CP Đầu tư phát triển Việt Thành (do bà Trần Thị Huệ Chi làm chủ tịch).

Hiện tại, không riêng HUD mắc kẹt hơn 46,2 tỷ đồng tại Thép Sông Hồng mà Tổng công ty Sông Hồng cũng đang đứng trước nguy cơ mất trắng hơn 100 tỷ đồng đã góp vốn vào đây.

Tác giả: Quang Thắng

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến