Dòng sự kiện:
Huy động vốn từ chứng khoán dự kiến 61.000 tỷ đồng, giảm 40% trong năm 2023
01/05/2023 09:04:27
Nếu không tính đến kế hoạch huy động của NVL và VPB, tổng giá trị dự kiến huy động trong năm 2023 là 61 nghìn tỷ đồng, giảm 40% so với năm 2022 và 2021...


Lợi nhuận sau thuế Q1/2023 của 765 doanh nghiệp và ngân hàng giảm -18,3% so với cùng kỳ, trong đó khối Phi tài chính ghi nhận giảm sâu 41,5%, theo thống kê mới nhất từ FiinGroup. 

LỢI NHUẬN SAU THUẾ NĂM 2023 ƯỚC GIẢM NHẸ 5%

Ngành Ngân hàng, lợi nhuận ước tính tăng ở nhóm ngân hàng quốc doanh nhờ tín dụng tăng và NIM duy trì. Với nhóm ngân hàng cổ phần, nhóm ngân hàng với tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản ở mức cao (bao gồm TCB) có lợi nhuận giảm do tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong khi đó STB và ACB có LN tăng mạnh. Tuy nhiên, tín dụng tăng rất thấp hay thậm chí giảm ở một số ngân hàng bán lẻ (ACB, VIB) là điểm cần lưu ý.

Khối Phi tài chính, lợi nhuận sau thuế giảm -41,5% YoY trong quý 1, trong đó giảm mạnh nhất ở ngành Tài nguyên cơ bản (Thép), Hóa chất (Phân bón và Hóa chất), Xây dựng và Vật liệu.

Riêng với Bất động sản, lợi nhuận sau thuế quý 1 tăng 115,9%. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mức tăng trưởng cao chủ yếu đến từ VHM (+152,3%) và VRE (+171,1%). Nếu không tính đến VHM và VRE, LNST các DN còn lại giảm -4%.

Cho cả năm 2023, tính đến ngày 26/4/2023, đã có gần 700 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết (đại diện khoảng 70% vốn hóa toàn thị trường) công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2023, với tổng lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm nhẹ -3,0%.

Cụ thể, ngành Ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế tăng +13,6% và ngành Dịch vụ tài chính (chủ yếu là các CTCK) dự kiến tăng +41,4% trong khi khối Phi tài chính đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế giảm sâu (-20,6%). Kế hoạch lợi nhuận này xuất phát từ bối cảnh vĩ mô hiện tại kém thuận lợi, cụ thể là hoạt động xuất khẩu yếu đi, cầu tiêu dùng trong nước suy yếu, thị trường bất động sản trầm lắng sau động thái chấn chỉnh hoạt động phát hành trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Xét riêng khối Phi tài chính, lợi nhuận sau thuế dự kiến suy yếu ở hầu hết các ngành, trong đó, những ngành bước vào chu kỳ suy giảm, chủ yếu liên quan đến xuất khẩu như Logistics (HAH), Hóa chất (DGC), Phân bón (DPM, DCM), May mặc (TNG, MSH), Thủy sản (VHC, CMX). Trở lực chính là xuất khẩu kém vì rủi ro suy thoái tại Mỹ, Châu Âu và gia tăng cạnh tranh từ Trung Quốc sau động thái “mở cửa”.

Những ngành đặt kế hoạch Lợi nhuận tăng cao trên nền thấp của 2022, bao gồm Tài nguyên cơ bản (Thép) và Bất động sản.

Với Bất động sản, lợi nhuận sau thuế 2023 dự kiến tăng +9,7%, chủ yếu đến từ VRE (+71%) với kỳ vọng tỷ lệ lấp đầy và giá cho thuê ở các trung tâm thương mại hồi phục và VHM (+3,9%) nhờ bàn giao các sản phẩm ở OP 1 và 2. Nhóm có quy mô nhỏ hơn như NLG, KDH đưa ra kế hoạch lợi nhuận thận trọng.

Cần lưu ý rằng dự kiến tăng trưởng này chưa tính đến kế hoạch lợi nhuận của nhiều DN đầu ngành (bao gồm NVL, PDR và DXG) hiện gặp áp lực lớn về dòng tiền do hệ lụy từ trái phiếu doanh nghiệp và đang chờ “tháo gỡ” pháp lý cho các dự án Bất động sản.

Những ngành có kế hoạch lợi nhuận tăng thấp hoặc giảm tốc: Công nghệ thông tin và Bán lẻ. Với Bán lẻ chủ yếu là các doanh nghiệp phân phối sản phẩm ICT như MWG, DGW, FRT, PET với sức mua các mặt hàng lâu bền giảm sâu, mục tiêu tăng trưởng năm 2023 (+0,7%) vẫn khá thách thức, khiến định giá của các cổ phiếu Bán lẻ trở nên đắt trong ngắn hạn.

HUY ĐỘNG VỐN GIẢM MẠNH

Về huy động vốn, năm 2023 dự kiến là năm khá trầm lắng đối với hoạt động phát hành huy động vốn bởi thanh khoản thị trường chứng khoán ở mức thấp.

Tính đến ngày 26/4/2023, đã có 108 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết lên kế hoạch huy động vốn cổ phần với tổng giá trị dự kiến thực hiện trong năm 2023 là 126,4 nghìn tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với 2 năm gần đây.

Trên thực tế, con số này bao gồm gần 29,3 nghìn tỷ đồng kế hoạch phát hành cổ phần của NVL chủ yếu phục vụ mục đích cơ cấu nợ vay và gần 36 nghìn tỷ đồng kế hoạch phát hành cổ phần của VPB để bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Nếu không tính đến kế hoạch phát hành của NVL và VPB, tổng giá trị huy động vốn cổ phần của các doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết dự kiến trong năm 2023 ước 61 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng -40% so với năm 2022 và 2021.

Thanh khoản thị trường chứng khoán ở mức thấp là trở ngại với các kế hoạch huy động vốn. Nếu thực hiện thành công, đây sẽ là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là ở nhóm có đòn bẩy tài chính cao như Bất động sản và Xây dựng, trong khi nguồn vốn truyền thống (bao gồm tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu) bị hạn chế.

Tuy nhiên, thanh khoản thị trường chứng khoán hiện rất thấp, bình quân ở mức hơn 10 nghìn tỷ đồng/phiên bằng 40% thanh khoản ở giai đoạn cao điểm về phát hành huy động vốn trước đây. Điều này cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư sau giai đoạn điều chỉnh vừa qua và có thể khiến kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành của các doanh nghiệp khó khả thi hơn trong năm 2023.

Giá trị huy động vốn cổ phần năm 2023 ở nhóm Dịch vụ tài chính (chủ yếu là các CTCK) dự kiến giảm gần 50%, ước đạt 14,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó bao gồm cả các kế hoạch (gần 7,5 nghìn tỷ đồng) đã được thông báo trong năm 2022 trước đó mà DN chưa thực hiện. Riêng năm 2023, đáng chú ý có kế hoạch huy động 4 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành quyền mua và phát hành riêng lẻ của Chứng khoán Tiên Phong (ORS).

Với nhóm Bất động sản, giá trị huy động vốn cổ phần năm 2023 dự kiến giảm -46% nếu không tính đến kế hoạch của NVL.

Các nhóm ngành dự kiến tăng huy động vốn cổ phần bao gồm Hàng & Dịch vụ công nghiệp (GMD, VSC), Tài nguyên Cơ bản (MSR, TLH), Y tế (DBD, DTG), CNTT (SGT) và Bảo hiểm (MIG).

Tác giả: Hoa Phong Linh

Theo: Vneconomy
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến