Hủy hoại tiền Việt Nam sẽ bị xử lý thế nào?
04/03/2015 07:12:52
ANTT.VN – Trong trường hợp phát hiện tiền hư hỏng, biến dạng do hành vi hủy hoại thì đơn vị thu đổi lập biên bản, tạm thu giữ hiện vật và chuyển đến cơ quan công an.

Tin liên quan


Ngày 02/12/2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 25/2013/TT-NHNN quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.

Tại điều 8 về xử lý tiền hư hỏng, biến dạng nghi do hành vi hủy hoại có ghi rõ: trường hợp phát hiện tiền hư hỏng, biến dạng nghi do hành vi hủy hoại, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, đơn vị thu đổi lập biên bản, tạm thu giữ hiện vật và chuyển ngay đến cơ quan Công an cấp xã hoặc huyện trên địa bàn để điều tra, giám định. Kết luận của cơ quan Công an là cơ sở để các đơn vị thực hiện đổi cho khách hàng hoặc xử lý hiện vật theo quy định của pháp luật.

Hủy hoại tiền Việt Nam sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật

“Trong trường hợp số lượng tiền biến dạng, hư hỏng tương tự nhau, các tờ tiền có vết cắt, bị bôi bẩn, các tờ tiền rách giống nhau, bị can dán thì đơn vị sẽ tạm thu giữ, lập biên bản rồi báo với cơ quan công an” – theo bà Nguyễn Thị Thảo, kiểm ngân tại Ngân hàng MB chi nhánh 30 Nguyễn Du, Hà Nội.

Cũng theo bà Thảo thì tại chi nhánh cũng chưa có trường hợp nào mà đơn vị phải xử lý hay phát hiện tiền hư hỏng, biến dạng do hành vi hủy hoại.

Theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng: Sẽ phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi “phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật” và phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi “mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau; mua, bán ngoại tệ không đúng tỷ giá quy định của Ngân hàng Nhà nước…”

Nhiều người lên án về hành vi đốt tiền của nam thanh niên (Ảnh cắt từ clip)

Ngày 8/4/2012, cộng đồng mạng xôn xao về đoạn clip ghi lại cảnh một nam thanh niên dùng một tay cầm những tờ tiền Việt, tay kia cầm bật lửa đốt. Nhìn thoáng qua có thể thấy rõ mệnh giá của những tờ tiền, gồm  10.000 đồng, 50.000 đồng và 100.000 đồng. Ngay sau khi đoạn clip được đăng tải, cộng đồng mạng đã lên tiếng phản đối dữ dội hành động này của cậu thanh niên. Nhiều ý kiến đưa ra cho rằng, đây không chỉ được xem là hành động “chơi ngông” mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, hủy hoại đồng tiền Việt Nam.

Khoản 1, Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

Căn cứ Quyết định 130/2003/QĐ-TTg về việc bảo vệ tiền Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Điều 3. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả.
2. Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.
3. Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.
4. Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam.

 

Thu Thủy


 

 

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến