Dòng sự kiện:
Huyền thoại một vị tướng – Phạm Kiệt
06/01/2015 16:38:12
ANTT.VN – Để ghi nhớ công ơn của vị tướng huyền thoại vừa tròn 100 năm ngày sinh và 35 ngày mất, tại Quảng Ngãi đến nay đã có 3 ngôi trường mang tên Phạm Kiệt.
Bởi lúc đó, toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ đang hăng hái triển khai kế hoạch đánh nhanh, sau này mới biết có cán bộ lo ngại, nhưng lúc đó không một ai nói lên ý nghĩ thật của mình vì lo ngại cho là dao động…”.

Đó là lời phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – nguyên Tổng tư lệnh – Bí thư Quân ủy Trung ương về vai trò của tướng Phạm Kiệt trong việc thay đổi phương châm tác chiến từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, phác họa đầy đủ tính chiến đấu, thẳng thắn và cương trực của tướng Phạm Kiệt.

trung-tương-pham-kiet-nghe-ban-chỉ-huy-đồn-biên-phòng-34-báo-cáo-tác-chiến

Trung tướng Phạm Kiệt (ở giữa) nghe Ban chỉ huy đồn biên phòng 34 báo cáo tác chiến (nguồn: Internet)

"Chỉ có Kiệt mới dám nói như thế!"

Tướng Phạm Kiệt, tên khai sinh là Phạm Quang Khanh, sinh ngày 10/01/1910 tại làng An Phú – nay là thôn Minh Thành – xã Tịnh Minh – huyện Sơn Tịnh – tỉnh Quảng Ngãi. Ông là người con thứ 10 (gọi theo cách miền Nam, miền Bắc là thứ 9) trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng.

Ngay từ khi 15 tuổi, ông đã tham gia phong trào văn thân chống Pháp và các hoạt động yêu nước. Năm 1929, ông đã cùng các đồng chí thành lập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội tại huyện nhà, trở thành đảng viên cộng sản Đông Dương ngày 17/01/1931 phụ trách công hội đỏ và chỉ huy đội xích vệ đỏ.

Đầu tháng 6/1931, ông bị mật thám Pháp bắt và đưa về nhà tù Buôn Ma Thuột, nơi giam giữ những nhà cách mạng mà chúng cho là cứng đầu như: Nguyễn Chí Thanh, Trương Quang Giao, Hoàng Anh, … Tại nhà tù Buôn Ma Thuột, cai ngục, lính canh tù rất tàn bạo, luôn tra tấn man rợ tù chính trị. Có lần, thấy tên cai ngục quá hung bạo với tù khổ sai chính trị, sẵn xà beng trong tay, ông Kiệt đã phang cho nó một cái thật đau. Từ đó, bọn lính trong ngục ngán, nể ông và tù chính trị nên có nhẹ tay hơn.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, lúc này chỉ thị từ Trung ương “Nhật đảo chính Pháp – hành động của chúng ta” tuy chưa vào đến nơi, nhưng tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi nhạy bén quyết định cướp đồn Ba Tơ, giành chính quyền về tay nhân dân ở Ba Tơ. Được tỉnh Ủy giao làm chỉ huy trưởng đội du kích Ba Tơ, ông Phạm Kiệt cùng với đồng chí Nguyễn Đôn và Nguyễn Khoách củng cố tổ chức, tăng cường lực lượng, dần đưa đội du kích Ba Tơ vào nề nếp. Chập tối ngày 14/3, toàn đội du kích Ba Tơ đã làm lễ tuyên thệ tại hang Én – suối Loa với lời thề “Quyết tử vì Tổ quốc”.    

Sau này, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: Khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi trọn vẹn là cuộc khởi nghĩa đầu tiên sau ngày có Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cùng một lúc đã đạt được những mục tiêu cơ bản mà Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta đề ra: Cướp đồn – phá tan chính quyền phản động, lập nên chính quyền cách mạng của nhân dân, thành lập lực lượng vũ trang và có sức cổ vũ, động viên to lớn đối với cách mạng miền Trung cũng như trong cả nước.      

Cuối tháng 9/1945, ông Phạm Kiệt được giao là chỉ huy trưởng Ủy ban quân chính Nam phần Trung Bộ. Đầu năm 1946, nhà quân sự Võ Nguyên Giáp cùng một số vị dứng đầu cơ quan Chính phủ như Bộ trưởng kinh tế Phan Anh được Bác Hồ phái vào miền Nam công tác. Tại đình Xuân Hòa – Ninh Hòa – Khánh Hòa, lần đầu tiên ông Phạm kiệt được gặp mặt nhà quân sự - người đội trưởng đội tuyên truyền giải phóng quân - Võ Nguyên Giáp mà ông đã nghe danh từ lâu. Tại lễ kỉ niệm 50 Du kích Ba Tơ và tướng Phạm Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Tôi có may mắn được biết và làm việc với anh Phạm Kiệt, tôi đã gặp anh lần đầu tại Ninh Hòa, trong chuyến được Bác Hồ phái vào mặt trận Việt Nam. Lúc bấy giờ anh Kiệt đang chỉ huy đánh địch từ Mađrắc…”

Cuối năm 1953, đầu năm 1954, Bộ Chính trị, Bác Hồ chỉ thị mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Phạm Kiệt được giao làm đặc phái viên của Tổng tư lệnh và phụ trách công tác bảo vệ của mặt trận. Thời diễn ra chiến dịch, lúc thì có lệnh kéo pháo vào, rồi lại có lệnh kéo pháo ra và lại kéo pháo vào, nhưng cũng có rất ít người hiểu được ý đồ của Bộ tổng và ban chỉ huy mặt trận.

Ngày nay, hễ nói đến kéo pháo ra, kéo pháo vào các cựu chiến binh già không thể không nhắc đến ông Phạm Kiệt! Bởi như Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp khẳng định “… Anh Kiệt là người duy nhất lúc đó đề nghị tôi xem xét lại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh! Chỉ có Kiệt mới dám nói như thế!...”.

Niềm tin đặc biệt

Riêng đối với tướng Phạm Kiệt, Bác Hồ có một tình cảm và niềm tin đặc biệt. Thời còn ở quân đội cũng như sau này đã sang Công an, đi công tác ở đâu Bác cũng gọi ông cùng theo. Sau này, ông Vũ Kì – thư kí của Bác kể lại: Bác Hồ có lẽ làm việc, bàn việc, tâm sự với tướng Phạm Kiệt chủ yếu là trong các chuyến đi công tác mà hai người luôn ở bên nhau.

Thiếu tướng Nguyễn Tấn – nguyên Phó tư lệnh bộ đội biên phòng, thư kí cho tướng Phạm Kiệt nhiều năm kể lại: Không phải một mà nhiều lần, tướng Phạm Kiệt đã cõng Bác Hồ, “cứu” Bác khỏi “vòng vây” của đồng bào – quần chúng.

Ngày về quê Nam Đàn, sau khi hỏi thăm và nói chuyện với đồng bào quê hương. Vì quá lâ chưa được gặp bác Hồ, bà con Nam Đàn quê Bác vây chặt, không làm thế nào Bác ra ôtô được. Để đảm bảo sức khỏe cho người, chớp thời cơ, tướng Phạm Kiệt khoác áo mưa trùm kín Bác và cõng Bác ra chiếc xe Pô-bê-đa giành cho ông, thư kí và bảo vệ. Xe ông chạy đưa Bác đi, còn xe chở Bác thì vẫn kẹt lại với đồng bào!

Mùa xuân năm 1969, tướng Phạm Kiệt được Bác gọi cùng đi thăm quân chủng Phòng không Không quân, lên Vật Lại, Ba Vì trồng cây đa… Đây là chuyến đi xa cuối cùng của Bác. Ông thấy Bác yếu đi nhiều, đi lại không còn nhanh nhẹn như vốn có. Cùng trải bạt ngồi ăn cơm ở dưới gốc đa giữa rừng Ba Vì bạt ngàn ngày ấy có Bác Hồ, Phó chủ tịch Nguyễn Lương Bằng, ông và đồng chí Vũ Kì – thư kí Bác. Chậm rãi ăn từng miếng nhỏ cơm nắm với muối vừng, thịt rim, Bác nhìn xa xăm rừng cây phía trước, hỏi tướng Phạm Kiệt về tình hình miền Nam, tình hình lực lượng CANDVT, hỏi thăm gia đình…     

Đầu năm 1973, ông được vinh dự tháp tùng Thủ tướng Phi đen Cas-trô và thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị, mặc dù lúc đó, những bệnh tật do 15 năm tù đày đã bắt đầu quấy phá sức khỏe ông. Sau chuyến công tác xa dài ngày này, sức khỏe ông ngày càng giảm sút, Đảng và Nhà nước đã đưa ông sang CHDC Đức điều trị. Về nước, được giáo sư Tôn Thất tùng và nhiều giáo sư, bác sĩ nổi tiếng khác trực tiếp điều trị, nhưng do tuổi cao, sức khỏe có hạn bởi ông đã cống hiến đến tận cùng khả năng cho sự nghiệp cách mạng, cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam nên ông đã trút hơi thở cuối cùng. 13 giờ ngày 23/1/1975, tướng Phạm Kiệt đã ra đi trong nỗi tiếc thương vô hạn của gia đình, bạn bè và đồng bào, của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang cách mạng.  

Để ghi nhớ công ơn của một vị tướng huyền thoại vừa tròn 100 ngày sinh và 35 năm ngày mất, tại Quảng Ngãi đến nay đã có 3 trường mang tên Phạm Kiệt: trường PTCS Phạm Kiệt ở huyện Sơn Tịnh, trường PTTH Phạm Kiệt ở huyện Ba Tơ và trường PTTH Phạm Kiệt ở huyện Sơn Hà. Đồng thời, Đảng, Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi, bộ đội Biên phòng xây dựng khu lưu niệm Trung tướng Phạm Kiệt tại ngay nơi ông sinh ra – Tịnh Minh, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Nhà lưu niệm với kiến trúc hài hòa và hơn 300 mét vuông sàn xây dựng tọa lạc trên 1500 mét vuông đất của họ tộc hiến tặng, các hình ảnh, tư liệu, hiện vật được trưng bày bên trong, ngoài sảnh rất phong phú, đa dạng, quý hiếm và mang nhiều ý nghĩa lịch sử quý giá.    

Hoàng Hà (lược ghi theo cuốn “Danh tướng Phạm Kiệt – Bản lĩnh và tài đức” – NXB CAND)                                                                 

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến