Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (mã IMP - sàn HoSE) thông báo ngày 18/9/2024 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành thêm do tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu). Ngày giao dịch không hưởng quyền vào 17/9/2024.
Theo đó, công ty sẽ phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 100%, tương đương tỷ lệ thực hiện quyền 1:1 (1 cổ phiếu cũ được nhận 1 quyền và 1 quyền được nhận thêm 1 cổ phiếu mới). Công ty dự kiến phát hành hơn 77 triệu cổ phiếu và vốn điều lệ dự kiến sau phát hành là hơn 1.540 tỷ đồng.
Phương án trên sẽ đưa Imexpharm trở thành công ty dược phẩm niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất. Ngoài ra, thanh khoản cổ phiếu IMP cũng được kỳ vọng sẽ được cải thiện. Hai cổ đông lớn nhất của hãng gồm Tập đoàn SK và Tổng công ty Dược Việt Nam lần lượt sở hữu 64,8% và 22%.
Trước đó, vào giữa tháng 7, công ty đã chốt quyền trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 20%. Phần cổ tức này bao gồm 10% bằng tiền mặt, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1.000 đồng và 10% bằng cổ phiếu, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được 1 cổ phiếu mới phát hành.
Trong quý II/2024, Imexpharm đạt 517,1 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 18% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đà tăng của giá vốn hàng bán mạnh hơn nên biên lãi gộp giảm 44% xuống 40%. Lợi nhuận gộp ghi nhận ở mức 200,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 193 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng lần lượt 18% và 22% nên Công ty báo lãi sau thuế gần 66 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ.
Chia sẻ về thay đổi lợi nhuận kỳ này, công ty cho biết lợi nhuận giảm do biến động tăng giá nguyên liệu đầu vào. Cùng đó, sản lượng sản xuất tại nhà máy IMP 1 đã giảm do thị trường OTC (bán lẻ ở tiệm thuốc) tăng trưởng chậm. Nhà máy IMP 4 chính thức đi vào hoạt động (từ quý III/2023) kéo theo chi phí khấu hao và vận hành tăng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng 10% lên 1.008 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 19% xuống 128 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty lần lượt đạt 43% và 30% kế hoạch của công ty.
Tại báo cáo phân tích mới đây, khối phân tích Chứng khoán SSI đánh giá hãng dược phẩm này có thể được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ kênh đấu thầu bệnh viện công. Bộ Y tế gần đây đã ban hànhThông tư 03 có hiệu lực từ ngày 17/05/2024 cung cấp danh mục 93 loại thuốc phải được sản xuất bởi ít nhất 3 hãng sản xuất trong nước. Ba hãng này cần có dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP, và đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật, chất lượng, giá cả, và khả năng cung ứng. Thuốc nhập khẩu sẽ không được phép chào thầu bệnh viện công với các loại thuốc này. Những công ty có dây chuyền sản xuất đạt chuẩn EU-GMP như Imexpharm sẽ được ưu tiên bởi các chính sách này. Hiện Imexpharm đứng thứ 3 về thị phần kênh bệnh viện với 2,3% thị phần, chỉ đứng sau 2 công ty đa quốc gia (AstraZeneca &Roche).
Tại thời điểm đến ngày 30/6, tổng tài sản của Imexpharm đạt 2.505 tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, có 258,5 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, tăng 30%.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu IMP đang giao dịch ở mức khoảng 94.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng hơn 80% so với cuối năm 2023.
Tác giả: Tùng Linh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy