Theo đó, tăng trưởng sản lượng toàn cầu sẽ chỉ tăng lên 3% vào năm 2024. Những yếu tố bất ổn sẽ phủ bóng triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới trong ngắn và trung hạn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phải điều chỉnh để thích nghi với những cú sốc của đại dịch trong năm 2020 – 2022 và tình trạng hỗn loạn gần đây của khu vực tài chính.
Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra các chính sách nhằm khôi phục sự ổn định về giá, đồng thời tránh suy thoái và duy trì sự ổn định tài chính. Để đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và toàn diện, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, các nhà hoạch định phải thích ứng nhanh chóng và sẵn sàng điều chỉnh các chính sách.
Tăng trưởng sản lượng toàn cầu sẽ tăng 3% vào năm 2024 (Ảnh minh họa: KT)
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Pierre - Olivier Gourinchas, Trưởng Ban kinh tế Quỹ Tiền tệ Quốc tế khuyến cáo, trước tiên, nếu căng thẳng tài chính không mang tính hệ thống như hiện nay, cuộc chiến chống lạm phát vẫn nên là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trung ương.
Thứ hai, để bảo vệ sự ổn định tài chính, các ngân hàng trung ương nên sử dụng các công cụ riêng biệt và truyền đạt các mục tiêu của họ một cách rõ ràng để tránh những biến động không đáng có. Các chính sách tài chính nên tiếp tục tập trung vào việc duy trì sự ổn định tài chính và theo dõi mọi rủi ro tích tụ trong các lĩnh vực ngân hàng, phi ngân hàng và bất động sản.
Thứ ba, ở nhiều quốc gia, chính sách tài khóa nên thắt chặt để giảm áp lực lạm phát, khôi phục tính bền vững của nợ công và xây dựng lại vùng đệm tài khóa.
Cuối cùng, trong trường hợp dòng vốn chảy ra làm tăng rủi ro ổn định tài chính, các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi nên sử dụng khung Chính sách tích hợp, kết hợp các biện pháp can thiệp ngoại hối có mục tiêu tạm thời và các biện pháp dòng vốn khi thích hợp.
Hội nghị mùa Xuân của Nhóm Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế diễn ra từ ngày 10-16/4 tại thủ đô Washington, Mỹ, với chương trình nghị sự là cải cách và gây quỹ đầy tham vọng có thể bị phủ bóng bởi tình trạng lạm phát tăng cao và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Trước thềm hội nghị này, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đã kêu gọi các quốc gia giàu có hơn giúp lấp lỗ hổng 1,6 tỷ USD trong quỹ cho vay ưu đãi đối với các nước thu nhập thấp vốn được sử dụng nhiều trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19.
Nhiều nước thu nhập thấp hiện đang đối mặt với gánh nặng nợ nần chồng chất, trong đó một phần nguyên nhân là do lãi suất cao hơn, vấn đề được cho là cũng dẫn đến tình trạng các dòng vốn chảy ra khỏi nhiều quốc gia cần đầu tư nhất./.