Dòng sự kiện:
IMF hạ triển vọng tăng trưởng, cảnh báo lạm phát toàn cầu
13/10/2021 14:23:05
IMF cho biết những đứt gãy trong các chuỗi cung ứng và sức ép giá đang kiềm chế đà phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook - WEO) cho thấy, những đứt gãy trong các chuỗi cung ứng và sức ép giá đang kiềm chế đà phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19.

IMF giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9% so với mức 6% đưa ra trong dự báo hồi tháng 7, và giữ nguyên dự báo cho năm 2022 là 4,9%.

Các biện pháp phong toả chống dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại toàn cầu bị đình trệ. (Ảnh: Reuters)

Theo đánh giá của IMF, sự mất cân đối cung - cầu khiến giá tăng và đẩy lạm phát lên cao, tạo bức tranh kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa, đặc biệt là các nước thu nhập thấp.

Bà Gita Gopinath - nhà kinh tế trưởng của IMF, cho rằng, sự thiếu hụt nguồn cung và giá hàng hoá tăng trở lại khiến lạm phát giá tiêu dùng tăng nhanh ở nhiều nước. Giá lương thực tăng mạnh nhất ở các nước thu nhập thấp - nơi tình trạng mất an ninh lương thực đang ở mức nghiêm trọng nhất.

Bà Gita Gopinath - nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. (Ảnh: Reuters)

Đối với 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, IMF có cái nhìn không mấy lạc quan khi nền kinh tế Mỹ được điều chỉnh giảm mạnh, từ 7% xuống còn 6% trong năm 2021. Còn Trung Quốc thì được IMF dự báo giảm 0,1 điểm xuống còn 8%. Trong khi đó, khu vực đồng Euro được nâng mức dự báo lên từ 4,6% lên 5%.

IMF cũng cảnh báo sự chênh lệch nguy hiểm về triển vọng kinh tế do sự bất cân bằng lớn về vắc xin, khi 96% dân số ở các nước có thu nhập thấp vẫn chưa được tiêm phòng. Việc này khiến các nước nghèo phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng thấp kéo dài, làm gia tăng đói nghèo và lạm phát.

Tổ chức này nêu rõ, sẽ có thêm 65 - 75 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực trong năm nay. Các nước thu nhập thấp sẽ cần thêm 250 tỷ USD để chống dịch cũng như nhằm khôi phục tăng trưởng kinh tế như trước giai đoạn đại dịch.

Tác giả: Trần Ngọc

Theo: VOV.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến