Ngày 24/5, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, cho biết cuộc tranh cãi trong nước Mỹ về trần nợ công là “không cần thiết” cho nền kinh tế thế giới, nhất là trong giai đoạn có nhiều bất ổn hiện nay, và nên được giải quyết sớm.
Các thị trường quốc tế đã rối loạn vì tranh cãi giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo phe Cộng hòa về các mức giới hạn cho vay của Mỹ khi hạn chót đầu tháng 6 để giải quyết vấn đề này đang tới gần.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Qatar, bà Georgieva tin rằng Mỹ sẽ tránh được kịch bản vỡ nợ. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ có thể vẫn không có tiền chi tiêu công trong tháng tới, thậm chí là vỡ nợ, nếu quốc hội không nâng mức trần nợ công 31.400 tỷ USD hiện nay - kịch bản có thể gây ra khủng hoảng kinh tế và rối loạn các thị trường toàn cầu.
Cũng phát biểu tại diễn đàn trên, các Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia và Qatar nhất trí rằng cần sớm có giải pháp cho việc này.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thông báo bộ này có thể hết khả năng trang trải chi phí cho các hoạt động vào ngày 1/6 tới, nếu Quốc hội không hành động để nâng trần nợ công.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về nâng trần nợ công không mang lại kết quả, khi hai bên giữ quan điểm khác biệt trong vấn đề này.
Đảng Cộng hòa cho rằng không thể nâng trần nợ công nếu chính phủ không có các biện pháp mạnh tay để giảm thâm hụt ngân sách. Các biện pháp này bao gồm cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội và hạn chế diện tiếp cận với Medicaid, chương trình trợ cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden phản đối các biện pháp trên, thay vào đó, đưa ra kế hoạch giảm một số chi tiêu và tăng thuế đối với những người giàu nhất, cũng như các tập đoàn đang được hưởng các khoản giảm thuế lớn. Phía Cộng hòa không chấp nhận biện pháp tăng thuế này.
Đại diện của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nghị sỹ Cộng hòa tại quốc hội ngày 23/5 đã kết thúc một vòng đàm phán về trần nợ công nữa mà không có dấu hiệu tiến triển, trong khi thời hạn nâng trần nợ công để tránh kịch bản vỡ nợ đang đến gần.
Hai bên vẫn còn chia rẽ sâu sắc về cách thu hẹp thâm hụt ngân sách liên bang, trong đó các nghị sỹ Dân chủ cho rằng những người có thu nhập cao và giới doanh nghiệp nên nộp nhiều tiền thuế hơn, trong khi các nghị sỹ Cộng hòa lại muốn cắt giảm chi tiêu.
Các nghị sỹ Dân chủ muốn đóng băng chi tiêu cho năm tài chính 2024 bắt đầu vào tháng Mười ở mức đã được áp dụng vào năm 2023, và cho rằng làm như vậy là đồng nghĩa với cắt giảm chi tiêu vì ngân sách của các cơ quan sẽ không bắt kịp với lạm phát. Nhưng ý tưởng này đã bị các nghị sỹ Cộng hòa phản đối, với mong muốn phải cắt giảm chi tiêu rõ ràng.
Thỏa thuận nâng trần nợ công, nếu đạt được, phải được cả Thượng viện và Hạ viện phê duyệt trước khi Tổng thống Biden ký ban hành thành luật, và vì thế nó sẽ phụ thuộc vào sự ủng hộ của hai đảng.
Hiện chưa rõ có khả năng đạt được thỏa thuận giữa hai bên trước ngày 1/6 hay không. Tổng thống Biden đã đề cập khả năng sử dụng một điều khoản hiến pháp trong Tu chính án thứ 14 cho phép Tổng thống nâng mức trần nợ công.
Giới chuyên gia cảnh báo Chính phủ Mỹ vỡ nợ sẽ dẫn tới những hệ lụy thảm khốc đối với nền kinh tế nước này, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp, lãi suất ngân hàng và thị trường bất động sản, chưa kể hiệu ứng domino đối với kinh tế toàn cầu./.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy