Dòng sự kiện:
IMF, WB và WTO nhấn mạnh giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu
03/06/2021 16:59:44
Theo ước tính của IMF, việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng có thể thúc đẩy đà phục hồi của các hoạt động kinh tế, qua đó thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu.

Theo ước tính của IMF, việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng có thể thúc đẩy đà phục hồi của các hoạt động kinh tế. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tiêm chủng cho người dân trên toàn thế giới là giải pháp hữu hiệu nhất để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong ngắn hạn. Đây là đánh giá được Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra ngày 1/6.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng Giám đốc Georgieva cho biết các nhà lãnh đạo và người dân trên khắp thế giới ngày càng nhận thức được rằng thế giới sẽ chỉ có thể vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra một khi dịch bệnh nguy hiểm này bị đẩy lùi hoàn toàn.

Bà lưu ý rằng các quốc gia có năng lực tài chính mạnh và tốc độ tiêm chủng nhanh đang thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhanh hơn.

Tuy nhiên, những quốc gia, đặc biệt những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp, đang bị tụt lại phía sau và "điều đó nguy hiểm cho tất cả mọi người vì điều nó sẽ kìm hãm sự phục hồi toàn cầu."

Theo ước tính của IMF, việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng có thể thúc đẩy đà phục hồi của các hoạt động kinh tế, qua đó mang lại cho nền kinh tế thế giới số tiền tương đương khoảng 9.000 tỷ USD vào năm 2025.

Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh điều quan trọng là phải nhận thức được rằng 60% trong số 9.000 tỷ USD này sẽ dành cho các thị trường mới nổi ở các nước đang phát triển và 40% còn lại là dành cho các nền kinh tế phát triển. Vì vậy, bà kêu gọi thế giới cùng nỗ lực vì lợi ích của tất cả.

Người đứng đầu IMF cũng lưu ý rằng dựa trên hoạt động của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều tổ chức khác, đội ngũ của IMF đã đề xuất kế hoạch trị giá 50 tỷ USD nhằm chấm dứt đại dịch.

Theo kế hoạch này, ít nhất 40% dân số ở tất cả các quốc gia được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm 2021 và tỷ lệ này tăng lên mức ít nhất 60% vào nửa đầu năm 2022; cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính bổ sung cho chương trình COVAX - chiến dịch quốc tế do WHO dẫn đầu nhằm phân phối công bằng vaccine ngừa COVID- 19 trên thế giới; đảm bảo năng lực ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn như các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Cũng trong buổi họp báo, Chủ tịch WB David Malpass nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh chuỗi cung ứng vaccine trên toàn cầu. Ông nêu rõ ưu tiên trước mắt là các nước đã có đủ nguồn cung vaccine cần nhanh chóng chia sẻ những chế phẩm này cho các nước đang triển khai chương trình tiêm chủng.

Theo ông, WB hiện có sẵn 12 tỷ USD để tài trợ cho các chương trình vaccine và cần phải huy động ngân sách hơn nữa nếu cần thiết để hỗ trợ các nước mua và phân phối vaccine cũng như thúc đẩy chương trình tiêm chủng.

Chủ tịch Malpass cũng cho biết vào cuối tháng này, WB sẽ phê duyệt các hoạt động liên quan tới tiêm chủng tại hơn 50 quốc gia, đồng thời nói thêm rằng các quốc gia này có thể sử dụng ngay vaccine từ cơ chế COVAX. Người đứng đầu WB nhấn mạnh: "Điều quan trọng là chúng ta phải đẩy nhanh chuỗi cung ứng. Chúng ta cần rút ngắn thời gian từ thời điểm vaccine được sản xuất cho đến khi được tiêm cho người dân."

Ở thời điểm hiện tại, có quá nhiều liều vaccine vẫn đang chờ được phân phối do có thể vẫn đang bị "mắc kẹt" về các thủ tục và giấy tờ, đang "nằm kho," hoặc không phải là loại vaccine mà một nước nào đó có thể sử dụng.

Do đó, ông Malpass cho rằng để tối đa hóa số lượng tiêm chủng, liều lượng vaccine cần phải phù hợp với các chương trình tiêm chủng quốc gia ngay sau khi chúng được sản xuất. Ông cũng nhấn mạnh các nước cần phải chia sẻ thông tin về việc phân phối vaccine để các nước khác có thể lên kế hoạch trước.

Về phần mình, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã nêu bật 4 điểm "nghẽn" chính trong sản xuất và cung ứng vaccine toàn cầu, gồm hạn chế về năng lực sản xuất, nguồn cung cấp nguyên liệu, kỹ năng chuyên môn trong sản xuất vaccine và tình trạng quan liêu ở một số quốc gia.

Để đảm bảo có đủ vaccine cho người dân trên thế giới, bà Iweala kêu gọi các nước nỗ lực tăng sản lượng vaccine lên mức 10 tỷ đến 15 tỷ liều, tức gấp 2 - 3 lần so với mức 5 tỷ liều mà thế giới hiện có thể sản xuất.

Lãnh đạo các tổ chức quốc tế đã đưa ra những lời gọi trên trong bối cảnh gia tăng lo ngại tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 giữa các nước giàu và nghèo đang kéo dài cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 3,5 triệu người trên toàn cầu.

Tháng 4 vừa qua, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh tới tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine ngừa COVID-19, đồng thời kêu gọi các nước giàu chia sẻ vaccine với nước nghèo hơn để có thể sớm chấm dứt đại dịch.

Tác giả: Phương Oanh

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến