Dòng sự kiện:
Indonesia: Chuẩn bị chiến lược ứng phó khủng hoảng lương thực, năng lượng
19/07/2022 11:42:43
Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết chính phủ nước này đang chuẩn bị một “chiến lược đặc biệt” nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng trong năm 2023.


Người dân mua thực phẩm tại chợ ở Jakarta, Indonesia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Phát biểu tại Phủ Tổng thống ở Jakarta, ông Airlangga cho hay: “Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đã yêu cầu chúng tôi chuẩn bị một chiến lược để ứng phó với tình trạng khan hiếm lương thực và năng lượng toàn cầu”.

Trong ngày 18/7, Bộ trưởng Airlangga đã tham dự hai cuộc họp nội các quy mô hẹp với Tổng thống Jokowi về việc quản lý các sản phẩm từ dầu cọ và đánh giá tình hình triển khai lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM). Theo ông Airlangga, các nền tảng kinh tế của Indonesia hiện tương đối mạnh với tốc độ tăng trưởng đạt 5%. Lạm phát ở mức 4,2%, thấp hiện nhiều so với mức trung bình 8% ở châu Âu và 9% ở Mỹ. Huy động vốn ngân hàng tăng hơn 10%, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt trên 9%. Ông Airlangga cho biết thêm rằng chỉ số niềm tin tiêu dùng ở Indonesia đã tăng lên mức 128 điểm. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở mức 50,2 điểm do xuất khẩu dầu cọ thô vẫn còn nhiều trở ngại song đã bắt đầu hoạt động trở lại. Indonesia cũng ghi nhận thặng dư thương mại tháng thứ 26 liên tiếp.

Bộ trưởng cấp cao này cũng thông báo rằng kho dự trữ lương thực quốc gia - đặc biệt là gạo – sẽ an toàn đến cuối năm 2022 và có đủ nguồn cung. Theo ông Airlangga, sự suy yếu gần đây của đồng nội tện rupiah của Indonesia so với đồng USD “không phải là vấn đề” vào thời điểm này.

Theo Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), cán cân thương mại của Indonesia đã thặng dư 5,09 tỷ USD trong tháng 6/2022 với việc xuất khẩu đạt 26,09 tỷ USD trong khi nhập khẩu chỉ ở mức 21 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, cán cân thương mại của Indonesia đã thặng dư 24,89 tỷ USD.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết, dựa vào đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á đang ở trong tình trạng tốt dựa vào một số khía cạnh như hiệu quả kinh tế, tốc độ tăng trưởng, cán cân thanh toán và tỷ lệ lạm phát.

Tác giả: Hữu Chiến

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến