Dòng sự kiện:
Indonesia đạt thặng dư tài khoản vãng lai sau một thập kỷ
19/02/2022 17:08:34
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đạt thặng dư tài khoản vãng lai 3,3 tỷ USD trong cả năm 2021, tương đương 0,3% GDP, nhờ sự bùng nổ giá cả hàng hóa và nhu cầu mạnh mẽ từ các đối tác thương mại.

Đồng rupiah của Indonesia. (Nguồn: Reuters)

Năm 2021, Indonesia đã đạt thặng dư tài khoản vãng lai lần đầu tiên kể từ năm 2011, song cán cân thanh toán của nước này đã chịu áp lực trong quý IV do dòng tiền rút khỏi thị trường trái phiếu, cũng như nhập khẩu và chi phí vận tải tăng cao.

Số liệu được Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) công bố ngày 18/2 cho thấy nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đạt thặng dư tài khoản vãng lai 3,3 tỷ USD trong cả năm 2021, tương đương 0,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhờ sự bùng nổ giá cả hàng hóa và nhu cầu mạnh mẽ từ các đối tác thương mại. Trong khi đó, cán cân thanh toán năm 2021 đạt thặng dư 13,5 tỷ USD.

Tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai dai dẳng của Indonesia và sự phụ thuộc vào dòng vốn đầu tư nước ngoài để bù đắp cho những khoản thâm hụt này là một trong những nguyên nhân chính gây biến động cho đồng nội tệ rupiah trong quá khứ.

Các nhà kinh tế cho biết thặng dư tài khoản vãng lai năm ngoái sẽ giúp Indonesia giữ giá đồng rupiah trong năm nay khi các nền kinh tế lớn chuẩn bị thắt chặt thanh khoản toàn cầu trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Tuy nhiên, số liệu của BI cho thấy dấu hiệu tăng tốc trong kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thúc đẩy dòng tiền rút khỏi thị trường trái phiếu Indonesia, khiến nguồn vốn và các tài khoản tài chính bị siết chặt trong quý IV vừa qua.

Thặng dư tài khoản vãng lai của nước này cũng giảm xuống còn 1,42 tỷ USD, tương đương 0,4% GDP trong quý IV/2021, so với mức 4,97 tỷ USD, tương đương 1,7% GDP trong quý trước đó, do nhập khẩu và chi phí vận tải gia tăng. Cũng trong quý IV, Indonesia bị thâm hụt cán cân thanh toán 844 triệu USD, so với mức thặng dư 10,69 tỷ USD của quý III.

Các nhà hoạch định chính sách BI cho rằng Indonesia có thể sẽ chứng kiến tài khoản vãng lai của mình quay trở lại mức thâm hụt từ 1,1-1,9% GDP vào năm 2022 do giá hàng hóa giảm và nhu cầu trong nước tăng trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 được củng cố./.

Tác giả: Hữu Chiến

Theo: Bnews
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến