IPO triển lãm Giảng Võ: Cổ phiếu 'đất vàng' ế nặng
22/03/2015 15:15:00
ANTT.VN - Tại phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty TNHH Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) chỉ có 29 nhà đầu tư tham gia đấu giá, bán được 620.500 cổ phần, chỉ chiếm 3,8% trong tống số 16.266.105 cổ phần được IPO.

Tin liên quan

 

Mặc dù có lợi thế về địa điểm khi tọa lạc trên khu đất rộng gần 7 hecta tại trung tâm thủ đô Hà Nội nhưng phiên IPO của Triển lãm Giảng Võ lại diễn ra không mấy thành công.

Công ty TNHH MTV Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam tọa lạc trên khu đất 7ha trung tâm TP Hà Nội

Trong phiên IPO, nhà đầu tư đặt mua giá cao nhất là 15.000 đồng/cổ phần, thấp nhất là 10.050 đồng/cổ phần. Do số lượng đăng ký mua thấp hơn nhiều lượng chào bán nên tất cả nhà đầu tư đăng ký mua đều mua thành công cổ phần.

Chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư cá nhân mua thành công với giá cao nhất là 15.000 đồng/cổ phần với khối lượng mua được là 200 cổ phần, chiếm 0,032%.

Với kết quả này, tổng giá trị số tiền thu được từ phiên IPO là 6.240.950.000 đồng.

Theo phương án cổ phần hóa, VEFAC có vốn điều lệ dự kiến là 1.666 tỷ đồng. Trong đó, nhà nước sở hữu 10% cổ phần, bán đấu giá 9,8% cổ phần và bán cho nhà đầu tư chiến lược 80% cổ phần.

Phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Trung tâm hội chợ Triển lãm Việt Nam

Ông Trần Văn Tân, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hội chợ Triển lãm Việt Nam cho biết: “Số cổ phần không bán hết sẽ được bán cho cổ đông chiến lược - Tập đoàn Vingroup với giá bán 10.050 đồng/cổ phần”.

Ông Tân nhận định, với giá trung bình tại phiên đấu giá hôm nay là 10.058 đồng/cổ phần, giá bán cho nhà đầu tư chiến lược Vingroup là sát với giá thị trường.

Sau cổ phần hóa, VEFAC sẽ triển khai 3 dự án thành phần gắn liền với nhau: Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia trên trục Nhật Tân - Nội Bài (Dự án Nhật Tân - Nội Bài), Dự án Giảng Võ và Dự án Mễ Trì.

Trong đó, dự án Nhật Tân - Nội Bài sẽ là Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia, thay thế cho Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam hiện tại. Công trình này được xác định là nơi đăng cai tổ chức các sự kiện lớn mang tính chất quốc gia. Dự kiến, kinh phí cho việc xây dựng công trình này sơ bộ ít nhất lên đến 4.000 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu hỗ trợ.

Số tiền thu được từ cổ phần hóa được sử dụng để hỗ trợ thực hiện các hạng mục cơ bản (lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, lập dự án đầu tư, một phần công tác giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật đầu tư xây dựng Khu Hội chợ Triển lãm Quốc gia) thuộc Dự án Nhật Tân - Nội Bài và được dùng để chuyển đổi dần thành khoản bổ sung vốn điều lệ của cổ đông Nhà nước trong Công ty cổ phần VEFAC để đáp ứng các phân kỳ đầu tư thực hiện Dự án Nhật Tân - Nội Bài.

Một vấn đề được giới đầu tư quan tâm trong thời gian qua đó là sau khi cổ phần hóa, khu đất 148 Giảng Võ sẽ được Vingroup đầu tư và xây dựng như thế nào?

Theo ông Trần Văn Tân, khu đất 148 Giảng Võ được VEFAC thuê hàng năm từ TP. Hà Nội. Sau khi lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, TP. Hà Nội sẽ dựa trên giá đất theo quy định để định giá khu đất này. Để được cấp sổ đỏ quyền sử dụng khu đất và xây dựng dự án trung tâm thương mại, Công ty cổ phần VEFAC sẽ phải nộp số tiền theo giá trị do TP. Hà Nội định giá.

Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến