Thiệt hại đối với Israel sau vụ tấn công
Iran đã phóng gần 200 tên lửa về phía Israel vào hôm 1/10, trong số đó có nhiều tên lửa đã trúng mục tiêu. Cuộc tấn công này có cường độ mạnh hơn so với cuộc tấn công mà Tehran thực hiện vào tháng 4/2024.
Cảnh sát Israel tại hiện trường vụ tấn công ở Jaffa, phía Nam Tel Aviv. Ảnh: Getty
Video do Đài truyền hình Israel phát sóng cho thấy một số tên lửa đã bay qua khu vực Tel Aviv ngay trước 19h45 (theo giờ địa phương). Phát ngôn viên của quân đội Israel cho biết: "Một vài tên lửa trúng mục tiêu ở trung tâm và các khu vực khác ở phía nam đất nước".
Phương tiện truyền thông Iran dẫn một số nguồn tin cho biết, lực lượng nước này đã nhắm mục tiêu vào 3 căn cứ quân sự của Israel trong cuộc tấn công. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố lần đầu sử dụng tên lửa siêu thanh được sản xuất ở trong nước cho cuộc tấn công, đồng thời nói rằng 90% số tên lửa đã trúng mục tiêu.
Mặc dù vậy, quân đội Israel khẳng định "một số lượng lớn" tên lửa do Iran bắn đã bị đánh chặn. Phát biểu trong cuộc họp nội các, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết nước này sẽ đáp trả: "Iran đã phạm một sai lầm lớn và họ sẽ phải trả giá. Chính quyền Iran không hiểu được quyết tâm tự vệ và quyết tâm trả đũa của chúng tôi".
Theo một quan chức Mỹ, nhiều căn cứ không quân của Israel đã bị nhắm mục tiêu và một căn cứ đã bị tấn công, gây ra thiệt hại nhỏ. Một quan chức khác cho biết, trụ sở của cơ quan tình báo Mossad của Israel cũng là một mục tiêu nhưng không bị tấn công.
“Có một số lượng nhỏ các vụ tấn công ở miền trung Israel, và một số vụ tấn công khác ở miền Nam. Phần lớn các tên lửa bay tới đã bị Israel và liên minh phòng thủ do Mỹ đứng đầu chặn lại”, người phát ngôn quân đội Israel, ông Daniel Hagari cho biết.
Tổng thống Mỹ Biden ngày 1/10 thông báo, quân đội nước này đang "tích cực hỗ trợ" cho hoạt động phòng thủ của Israel, khẳng định "kế hoạch chuyên sâu" giữa Mỹ và Israel đã giúp ngăn chặn được đợt tấn công. "Mỹ hoàn toàn ủng hộ Israel", ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng.
Theo các quan chức Israel, nước này đã mở cửa lại không phận sau vụ tấn công. Người dân Israel cũng nhận được tin nhắn trên điện thoại từ bộ chỉ huy mặt trận thông báo rằng họ có thể rời khỏi hầm trú bom một cách an toàn. Ít nhất một người đã thiệt mạng sau khi bị trúng mảnh đạn từ máy bay đánh chặn của Israel, một quan chức Israel cho biết.
Vì sao Iran tiến hành cuộc tấn công?
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tuyên bố họ đã phóng tên lửa đạn đạo vào Israel để đáp trả vụ Israel sát hại một chỉ huy cấp cao của IRGC và các thủ lĩnh của lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn trong khu vực. Tehran cảnh báo, bất kỳ hành động trả đũa nào của Israel cũng sẽ phải đối mặt với "các đòn tấn công tàn phá và nghiền nát hơn nữa".
Theo giới phân tích, Iran muốn ám chỉ vụ sát hại thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah và Chuẩn tướng Abbas Nilforoushan, Phó chỉ huy các hoạt động của IRGC cũng như vụ ám sát thủ lĩnh hính trị Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran vào tháng 7/2024. Mặc dù Israel không thừa nhận liên quan đến cái chết của ông Haniyeh, nhưng có nhiều cáo buộc cho rằng họ phải chịu trách nhiệm.
Một quan chức cấp cao của Iran nói với Reuters rằng Lãnh tụ tối cao của nước này - Đại giáo chủ Ali Khamenei, đã ra lệnh tấn công. Bộ trưởng ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho biết, Tehran đã tự vệ bằng cuộc tấn công vào Israel: "Hành động của chúng tôi chỉ kết thúc khi Israel không ra đòn trả đũa tiếp theo. Trong trường hợp ngược lại, phản ứng của chúng tôi sẽ mạnh mẽ hơn".
Nguy cơ xung đột leo thang
Cuộc tấn công mới nhất của Iran khiến Israel có lý do trực tiếp để tấn công trực tiếp lãnh thổ Iran và điều này có khả năng châm ngòi cho một cuộc chiến quy mô lớn trong khu vực, ông Mohanad Hage Ali, phó giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm Carnegie Trung Đông tại Beirut, nhận xét.
Cùng chung quan điểm này, ông Afshon Ostovar, giáo sư về các vấn đề an ninh quốc gia tại Trường sau đại học Hải quân ở California cho rằng, cuộc tấn công của Iran có thể không có mục đích chiến lược nào ngoài việc buộc Israel phải suy nghĩ kỹ hơn khi muốn tấn công các tài sản hoặc đồng minh của Iran trong những lần tiếp theo. Nhưng hành động của Iran có thể làm bùng phát thêm xung đột. Điều này có khả năng đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách của Iran. Trước đây, Tehran thường cố gắng ngăn chặn các cuộc xung đột vũ trang lan rộng tới biên giới của nước này, bằng cách trang bị vũ khí, huấn luyện và tài trợ cho các lực lượng dân quân xung quanh khu vực để mở rộng dấu ấn quân sự.
Ông Ostovar nhận định: "Cho dù Israel có phản ứng nhanh hay không, cuộc tấn công của Iran chắc chắn sẽ khiến xung đột ngày càng nguy hiểm và khó lường hơn".
Phản ứng đáp trả của Israel
Bilal Saab, một thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông ở Washington nhận định: “Khả năng xung đột leo thang hay không sẽ phụ thuộc vào phản ứng đáp trả của Israel. Israel có thể nhận thấy đây là cơ hội duy nhất để gây tổn hại cho tất cả các đối thủ của nước này và giáng cho họ một đòn chí mạng".
Các nhà phân tích an ninh cho rằng, thiệt hại mà Israel gây ra cho Hezbollah - lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn, đã làm suy giảm khả năng răn đe của Tehran. Theo giới quan sát, hiện Israel có nhiều lựa chọn hơn để đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran ngày 1/10.
Trước đó vào tháng 4, Israel lo ngại việc thực hiện phản ứng quá mạnh mẽ nhằm trả đũa vụ tấn công tên lửa của Iran sẽ khiến Tehran yêu cầu các lực lượng dân quân của nước này, đặc biệt là lực lượng Hezbollah ở Lebanon vào cuộc.
Danny Citrinowicz, một cựu sĩ quan tình báo Israel cho rằng: “Israel sẽ có nhiều lựa chọn hơn để đối phó với Iran so với hồi tháng 4, vì về cơ bản mối đe dọa từ lực lượng Hezbollah đã giảm đáng kể ".
Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden có thể thúc giục Israel kiềm chế phản ứng của mình. Nhưng trong bối cảnh cuộc bầu cử của Mỹ đang đến gần, tiếng nói của họ có thể sẽ ít ảnh hưởng hơn so với hồi tháng 4, ông Citrinowicz lưu ý.
"Đây là một sự leo thang mà kết cục khó có thể lường trước. Hành động của Israel gần như chắc chắn sẽ khiến Iran đưa ra một phản ứng khác. Chúng ta dường như đang ở giai đoạn đầu của cuộc đối đầu mạnh mẽ giữa Israel và Iran".
Tác giả: Hồng Anh