Tham vọng của Israel và cảnh báo từ lịch sử
Nhà lãnh đạo Israel đã nhìn thấy cơ hội mở ra sự tái cấu trúc quyền lực ở Trung Đông và ông có lẽ cho rằng Hezbollah đã bị một vết thương chí mạng. Tuy nhiên, chiến thắng hoàn toàn là điều khó có thể nói trước và những người đạt được điều họ muốn thường sẽ hối hận sau đó.
Kể từ ngày 17/9, Israel đã giáng một đòn chí mạng cho Hezbollah sau những diễn biến dồn dập khác ở Lebanon, đầu tiên là vụ nổ máy nhắn tin và máy bộ đàm, sau đó là một cuộc không kích lớn vào phía Nam Beirut khiến chỉ huy cấp cao Ibrahim Aqil thiệt mạng (cùng hàng chục dân thường), rồi sau đó 3 ngày là sự khởi đầu của một chiến dịch ném bom tàn khốc. Tối 27/9, khi thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah bị sát hại trong một vụ đánh bom san phẳng nhiều tòa nhà thì ban lãnh đạo cấp cao của Hezbollah gần như bị tiêu diệt hoàn toàn.
Khói bốc lên ở ngoại ô phía Nam của Beirut sau cuộc không kích. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, lịch sử gần đây chỉ mang lại những bài học cay đắng cho các nhà lãnh đạo Israel và những người ấp ủ tham vọng lớn lao về những thay đổi mang tính kiến tạo ở Lebanon nói riêng và Trung Đông nói chung. Vào tháng 6/1982, Israel tấn công Lebanon với mục tiêu đè bẹp Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Ngoài ra, họ hy vọng sẽ thành lập một chính phủ do người theo đạo Thiên chúa lãnh đạo ở Beirut và đẩy các lực lượng của Syria ra khỏi đất nước này.
Israel đã thất bại ở cả 3 mục tiêu. Đúng là các nhóm vũ trang Palestine ở Lebanon đã phải rời khỏi đất nước theo một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian, khiến họ phải lưu vong ở Tunisia, Yemen và những nơi khác. Tuy nhiên, mục tiêu dập tắt nguyện vọng dân tộc của Palestine cùng với PLO đã thất bại. 5 năm sau, cuộc nổi dậy Intifada đầu tiên của Palestine đã nổ ra ở Gaza và lan sang Bờ Tây. Hiện nay, người Palestine vẫn kiên định với lập trường của mình trong việc phản đối sự chiếm đóng của Israel.
Đồng minh chính của Israel tại Lebanon vào thời điểm cuộc tấn công trên diễn ra là Bashir Al-Gemayel, một thủ lĩnh dân quân Cơ đốc giáo Maronite được Quốc hội bầu ra nhưng trước khi nhậm chức, ông đã bị ám sát trong một vụ nổ lớn ở phía Đông Beirut. Anh trai của ông là Amin đã thay thế ông và dưới sự lãnh đạo này cùng với sự tham gia và khuyến khích tích cực của Mỹ, vào tháng 5/1983, Lebanon và Israel đã ký thỏa thuận thiết lập quan hệ song phương. Nhưng trước với sự phản đối dữ dội, chính phủ của ông Amin đã sụp đổ vào tháng 2 năm sau và thỏa thuận này sớm bị hủy bỏ.
Mỹ, quốc gia triển khai quân đến Beirut sau vụ thảm sát Sabra-Shatila vào tháng 9/1982, đã rút quân sau khi Đại sứ quán của họ bị đánh bom 2 lần. (Vụ thảm sát Sabra và Shatila là vụ thảm sát diễn ra vào ngày 16 - 18/9/1982, giết hại từ 1.300 đến 3.500 thường dân tại thành phố Beirut trong Nội chiến Lebanon - ND).
Nội chiến Lebanon đã bùng nổ trở lại và kéo dài hơn 6 năm. Các lực lượng của Syria đã tiến vào Lebanon năm 1976 với tư cách là "lực lượng răn đe" theo lệnh của Liên đoàn Arab và không rời đi cho đến năm 2005 sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Lebanon Rafiq Al-Hariri.
Có lẽ kết quả quan trọng nhất trong cuộc tấn công của Israel năm 1982 là sự ra đời của Hezbollah khi lực lượng này tiến hành cuộc chiến tranh du kích liên tục buộc Israel phải đơn phương rút khỏi miền Nam Lebanon. Đây là lần đầu tiên và duy nhất một lực lượng quân sự Arab thành công trong việc đẩy lùi Israel khỏi vùng đất của người Arab. Lực lượng mới này, với sự hỗ trợ của Iran đã cho thấy khả năng nguy hiểm và hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với các chiến binh Palestine mà Israel đã thành công trục xuất.
Vùng đất của những hậu quả không mong muốn
Hezbollah tiếp tục chiến đấu với Israel cho đến khi giao tranh rơi vào bế tắc trong cuộc chiến năm 2006 và kể từ những năm sau đó, lực lượng này chỉ ngày càng mạnh lên với sự giúp đỡ đáng kể của Iran.
Hiện nay, Hezbollah đã bị tê liệt và hỗn loạn, rõ ràng là đã bị tình báo Israel xâm nhập nhưng vẫn còn quá sớm để nói về sự sụp đổ của họ. Ngoài Lebanon và Israel còn có ví dụ về chiến dịch của Mỹ tại Iraq năm 2003, cho thấy bài học về cái giá phải trả cho sự kiêu ngạo không kiềm chế. Khi quân đội Iraq sụp đổ và quân đội Mỹ đến Baghdad, chính quyền Tổng thống George W. Bush đã nuôi dưỡng những ảo tưởng rằng sự sụp đổ của Saddam Hussein sẽ dẫn đến sự lật đổ các chế độ ở Tehran và Damascus, đồng thời thổi bùng sự nở rộ của các nền dân chủ tự do trên khắp Trung Đông.
Tuy nhiên, thay vào đó, việc Mỹ chiếm đóng Iraq đã trở thành một cuộc "tắm máu bạo lực" giữa các giáo phái, trong đó Washington phải trả giá đắt bằng máu và tiền bạc. Việc giết Saddam Hussein đã cho phép Iran mở rộng ảnh hưởng của mình đến tận trung tâm của cơ sở chính trị ở Baghdad. Al Qaeda, từng tan rã trong chiến dịch do Mỹ lãnh đạo ở Afghanistan, đã tái sinh trong tam giác Sunni của Iraq, và cuối cùng biến thành Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và Iraq.
Khi khói bốc lên từ các vùng ngoại ô phía Nam bị tàn phá của Beirut, người ta chợt nhớ lại lời của cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice trong cuộc chiến Lebanon năm 2006, rằng tất cả cảnh đổ máu và tàn phá mà chúng ta chứng kiến khi đó là "cơn đau đẻ của một Trung Đông mới".
Tuy nhiên, câu chuyện của Lebanon đã cho thấy cần cẩn thận với những lời hứa hẹn về một bình minh mới, sự ra đời của một Trung Đông mới hay một sự cân bằng quyền lực mới trong khu vực. Lebanon là một mô hình thu nhỏ của tất cả những điều có thể đi sai hướng. Đây là vùng đất của những hậu quả không mong muốn.
Tác giả: Kiều Anh/Theo CNN
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy