Dòng sự kiện:
Kẻ chết, người bị đánh bầm dập khi dính cú lừa của địa ốc Alibaba
15/11/2021 15:29:23
2.671 người tố cáo họ bị “tập đoàn” Alibaba chiếm đoạt tổng cộng hơn 2.400 tỷ đồng. Có những nạn nhân không những tiền mất, rơi vào khủng hoảng, tìm đến cái chết. Một số người khác, đi đòi tiền bị đánh bầm dập.

Trong giai đoạn sốt đất nền, ông Phan Đình D. (SN 1978, ngụ tại bến Mễ Cốc, quận 8) lao vào đầu tư bất động sản. Ông bỏ ra khoảng 3 tỷ đồng mua đất nền dự án tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba của Nguyễn Thái Luyện.

Chỉ một thời gian ngắn sau, biết dính bẫy lừa, mất trắng khoảng tiền dành dụm, vay mượn, ông D. rơi vào trầm cảm. Gia đình khuyên răn đủ điều nhưng ông D. vẫn khủng hoảng nặng.

Ông D. uống cả trăm viên thuốc ngủ để tìm đến cái chết nhưng gia đình phát hiện kịp thời, đưa đi cấp cứu. Nhưng chỉ vài ngày sau, vào trung tuần tháng 12/2019, ông D. đã quyết tìm đến cái chết bằng cách khá sốc là nổ súng tự kết liễu ngay tại bệnh viện Trưng Vương ở quận 10.

Ông Trần Thanh Ph., vừa mất tiền khi mua đất nền ảo của địa ốc Alibaba vừa bị đánh thương tích

Người đàn ông nói trên là một trong những nạn nhân xót xa nhất trong hàng ngàn người dính bẫy lừa của Alibaba. Bên cạnh đó, tập đoàn lừa đảo theo dạng đa cấp Alibaba… sụp đổ đã khiến hàng ngàn gia đình điêu đứng.

Vì xót của, có những người tìm mọi cách để đòi lại tiền đã bị Alibaba chiếm đoạt. Họ không những mất tiền mà còn… đổ máu.

Ông Trần Thanh Ph. (SN 1977) đóng 458 triệu đồng, tương đương 95% để mua một nền đất tại dự án của Alibaba tại xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với cam kết 10 tháng giao đất.

Giữa năm 2019, hay tin dự án có nền đất đã mua là dự án ma, bị chính quyền địa phương cưỡng chế, vợ chồng ông Ph. nhiều lần tìm đến trụ sở của Alibaba ở đường Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức đòi tiền.

Trụ sở Công ty CP địa ốc Alibaba nằm trên đường Kha Vạn Cân, quận. Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức)

Một lần, lực lượng an ninh của Alibaba không cho vợ chồng ông Ph. vào trong trụ sở công ty này nên dẫn đến xô xát. Ba người kéo ông Ph. ra ngoài. Giằng co xảy ra, nhóm bảo vệ tấn công khiến ông bị thương, phải nhập viện cấp cứu.

Theo giám định, ông Ph. bị thương tích 20%. Sau đó, công an khởi tố một người là tổ phó an ninh của công ty Alibaba.

Sập bẫy vì… hám lợi

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết, đến nay, cơ quan chức năng đã nhận đơn của 2.671 người tố cáo Nguyễn Thái Luyện và “tập đoàn” Alibaba chiếm đoạt hơn 2.435 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cũng chỉ ra, bản chất thực sự của Alibaba là huy động vốn theo hình thức đa cấp, lấy mồi nhử là các dự án bất động sản không có thật. Và nạn nhân sập bẫy là do… hám lợi.

Ông Nguyễn Phú Q. (SN 1967, ngụ tại quận Bình Thạnh) kể rõ, giữa năm 2018 ông đóng 1,1 tỷ đồng, tương đương 95%, mua ba nền đất tại dự án được giới thiệu là Alibaba Center City 5 ở xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Đồng Nai của Công ty cổ phần Bất động sản Chiến Thắng (một công ty con của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba).

Alibaba sử dụng mồi nhử là các nền đất ở các dự án ma, rao bán với giá vài trăm triệu đồng và mua lại, thuê lại, hứa hẹn lãi suất cao.

Nhưng sau đó, ông Q. ký “hợp đồng quyền chọn” với địa ốc Alibaba cho công ty này thuê lại với lợi nhuận cam kết 12%/6 tháng. Đến hạn nhận lãi suất, ông Q. liên hệ với người Alibaba thì chỉ nhận được những lời hứa hẹn. Cuối cùng biết bị lừa, ông Q. đã có đơn tố cáo đến Bộ Công an.

Qua vụ việc cụ thể của ông Q., dễ dàng nhận ra bản chất Alibaba là huy động vốn tinh vi khiến rất nhiều nạn nhân sập bẫy lừa bởi hám lợi, trông chờ vào khoản cam kết lợi nhuận. Và Alibaba có nhiều chiêu thức để chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Cách phổ biến nhất vẫn là, bán nền đất tại dự án ma, rồi ký hợp đồng mua lại hay thuê lại cho khách hàng hưởng lãi suất, có khi lên đến 28 - 38%/năm. Chính vì thế, một nền đất ảo, Alibaba có thể dùng để bán cho nhiều khách hàng.

Lợi nhuận hấp dẫn qua lời hứa như trên khiến khách hàng dồn tiền vào, thậm chí cầm cố nhà cửa, vay mượn để mong thu lợi từ khoản lãi suất và người này kéo người kia tham gia.

Một thủ đoạn tinh vi khác, Alibaba ký hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng nền đất, khách hàng buộc phải đóng đến 95%. Nhưng sau đó, Alibaba chây ỳ, chấp nhận định kỳ đóng phạt vài triệu đồng.

Alibaba có nhiều thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt tiền của khách hàng và bản chất thực sự là huy động vốn trái phép với mồi nhử là dự án bất động sản ma.

Anh Phan Tấn T. (SN 1987, quê Đồng Tháp) bỏ 366 triệu đồng ký hợp đồng thoả thuận với Alibaba để mua một nền đất tại dự án ma Alibaba Long Phước 5, xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Nhưng Alibaba không bàn giao nền đất như cam kết. Anh T. chỉ nhận được một lần tiền lãi phạt tương đương 5 triệu đồng.

Thậm chí nhiều nhân viên sale của Alibaba cũng tham gia, dụ dẫn người thân, bạn bè vào. Theo hình thức đa cấp, những nhân viên đó được thăng cấp, hưởng hoa hồng theo cấp số nhân, quyền lợi tăng lên.

Alibaba dùng mồi nhử là những khu đất mà họ rao bán chỉ vài trăm triệu đồng, số tiền trong khả năng xoay xở của những người lao động phổ thông. Và mức lãi suất họ hứa hẹn quá hấp dẫn. Chính vì thế, hàng ngàn người sập bẫy lừa của Alibaba trong nhiều năm trời.

Tác giả: Linh An

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến