Lợi nhuận sẽ không còn như trong mơ
Nhiều ngân hàng đạt kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm 2021. Chẳng hạn, LienVietPostBank cho biết, lợi nhuận trước thuế bán niên 2021 đạt hơn 2.000 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành gần 2/3 kế hoạch cả năm là 3.200 tỷ đồng.
Tương tự, lợi nhuận trước thuế của MB trong nửa đầu năm 2021 đạt 7.038 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái, dù tỷ lệ dự phòng rủi ro bao nợ xấu ở mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng là 311%.
Đối với OCB, 6 tháng đầu năm 2021 lãi trước thuế hơn 2.661 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ, đạt 48% mục tiêu cả năm và tỷ lệ dự phòng rủi ro bao nợ xấu ở mức 70%, tăng so với mức 62% thời điểm đầu năm.
Nhiều món nợ ở nhóm 1 và 2 có thể sẽ nhanh chóng trở thành nhóm 3, 4, 5 nếu các doanh nghiệp gặp khó khăn, mất thanh khoản trong thời gian tới.
Tuy nhiên, lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2021 của ngành ngân hàng dự kiến sẽ không được tốt như vậy, dù có mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, tín dụng thường tăng mạnh. Bởi lẽ, trung tuần tháng 7 vừa qua, các ngân hàng đã đồng thuận hạ lãi suất cho vay trong mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.
Ví dụ, Vietcombank giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với VND và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp cũng như người dân tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Agribank hỗ trợ cho các chi nhánh mức lãi suất tối đa 2,5%/năm nhằm giảm lãi suất cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, quy mô hỗ trợ áp dụng cho dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng. BIDV triển khai các gói tín dụng với quy mô 150.000 tỷ đồng, lãi suất giảm 1-1,5%/năm so với trước. VietinBank giao quyền chủ động cho các chi nhánh được giảm đến 2%/năm lãi suất cho vay. MB vừa chia sẻ về kế hoạch giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đối tượng khách hàng khác nhau sẽ được hưởng mức giảm lãi suất khác nhau, mức giảm cao nhất là 4%/năm.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp VietinBank cho biết, dự kiến tổng số tiền cắt giảm lợi nhuận của VietinBank nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 là hơn 6.000 tỷ đồng, cao hơn mức đã thực hiện năm 2020.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, Ngân hàng đang thực hiện hàng loạt chính sách ưu đãi lãi suất, giảm, giãn thời gian trả nợ vay, cung cấp kịp thời nguồn vốn để khách hàng duy trì hoạt động kinh doanh. Đối với khách hàng là người lao động bị mất việc, OCB miễn 100% tiền lãi trong các tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
“Dư nợ tín dụng được giảm lãi là 45.000 tỷ đồng. Hiện bộ phận tài chính của Ngân hàng đang thống kê mức độ tác động vào thu nhập lãi cho vay do giảm lãi cho khách hàng”, ông Tùng nói.
Sacombank công bố giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế…, đồng thời tiếp tục ưu đãi/miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.
Với tổng dư nợ hiện đạt khoảng 350.000 tỷ đồng, lãi suất giảm 1%/năm trong vòng 5 - 6 tháng thì lợi nhuận của Sacombank ước tính giảm trên nghìn tỷ đồng, tương đương với 40% lợi nhuận kế hoạch năm 2021.
Lên phương án cho tình huống xấu
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, nếu các ngân hàng giảm lãi suất cho những món nợ đang nằm trên sổ sách và nợ xấu tăng thì các ngân hàng sẽ gặp khó khăn. Nợ xấu sẽ nhanh chóng làm giảm tài sản của ngân hàng, trong khi lợi nhuận không đủ để bù trừ cho thiệt hại này. Chính vì thế, giảm lãi suất cho vay cho những món nợ đang có trên sổ sách hiện nay là một rủi ro lớn cho ngân hàng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ngày càng nghiêm trọng.
Trước câu hỏi về kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm của OCB liệu có thay đổi, ông Tùng cho biết, Ngân hàng chưa có chủ trương giảm mục tiêu lợi nhuận. Lý do là bởi Ngân hàng đang khuyến khích các phòng ban điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo hướng đa dạng nguồn thu, giảm chi phí và tăng chất lượng tài sản.
Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank cho hay, việc giảm lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch lợi nhuận, nhưng Ngân hàng chưa có phương án B, phải đợi một thời gian nữa xem tình hình như thế nào rồi mới quyết định.
Trong khi đó, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận: “Các phương án xấu nhất đang được Ban lãnh đạo lên kế hoạch”.
Theo TS. Hiếu, dự phòng nợ xấu bao gồm cả dự phòng cho nợ đủ tiêu chuẩn - tức nợ nhóm 1 (tỷ lệ dự phòng là 0,75% trên dư nợ) và dự phòng cho nợ cần chú ý - tức nợ nhóm 2 (tỷ lệ dự phòng là 5% trên dư nợ). Chính vì thế, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhiều ngân hàng lên đến 200 - 300%, nhưng bao gồm cả dự phòng cho nợ nhóm 1 và nợ nhóm 2.
Ví dụ trường hợp Vietcombank, dự phòng cho nhóm nợ 1 và 2 là 6.377,9 tỷ đồng; còn dự phòng cho nhóm nợ xấu 3, 4 và 5 là 12.864,9 tỷ đồng, bằng 246% dư nợ xấu - con số này trông rất khả quan (1 đồng nợ mất vốn có 2,46 đồng dự phòng để xử lý). Tuy nhiên, Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN cho phép các ngân hàng không chuyển nhóm nợ và không phải trích lập dự phòng rủi ro đúng với thực tế.
“Do đó, tỷ lệ bao phủ tuy lớn (246%), nhưng có thể vẫn không đủ khi nhiều món nợ hiện nay ở nhóm 1 và 2 sẽ nhanh chóng trở thành nhóm 3, 4, 5 nếu các doanh nghiệp gặp khó khăn, mất thanh khoản trong thời gian sắp tới. Trong tình huống này, tỷ lệ bao phủ có lên đến 368% vẫn không đủ để xử lý nợ xấu và sẽ ăn vào lợi nhuận, thậm chí xói mòn vốn chủ sở hữu nếu lợi nhuận không đủ để bù đắp”, TS. Hiếu nói.
Kết quả cuộc điều tra xu hướng tín dụng từ ngày 5 - 15/6/2021 đối với toàn bộ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các tổ chức tín dụng đã thu hẹp mức kỳ vọng về xu hướng gia tăng nhu cầu tín dụng năm 2021 qua các kỳ điều tra, trong đó, thu hẹp đáng kể đối với kỳ vọng về sự gia tăng nhu cầu vay vốn trong lĩnh vực xây dựng, du lịch, vận tải, kho bãi, xuất nhập khẩu, sản xuất - phân phối điện, vay mua nhà để ở, công nghiệp hỗ trợ và đầu tư ứng dụng công nghệ cao.
Tác giả: Hồng Dung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy